CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản tăng mạnh trong quý 2, gấp gần năm lần so với cùng kỳ năm ngoái về giá trị.
Thị trường M&A xuyên biên giới có triển vọng tươi sáng bắt đầu từ năm tới khi tiêm chủng tiến triển, theo Nihon M&A Center. Ảnh: Nikkei Asia
Nhật Bản thực hiện 182 thương vụ mua bán, sáp nhập từ tháng 4 đến tháng 6, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng giá trị tăng 455% lên 2,16 nghìn tỷ yên (19 tỷ USD), theo dữ liệu từ Recof, công ty tư vấn về M&A của Nhật Bản.
Số các thương vụ tăng cho thấy Nhật Bản khao khát tăng trưởng, đặc biệt khi quốc gia này phải đối mặt với tình trạng dân số giảm và tiêm chủng ngừa COVID-19 được đẩy nhanh đem lại sự lạc quan về kinh tế.
Nhật Bản là một phần đáng chú ý trong cơn mua bán, sáp nhập toàn cầu trước khi virus Corona bùng phát, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và đầu tư ra nước ngoài.
Năm 2019, tổng số vụ mua lại ở nước ngoài của Nhật Bản là 826, mức cao kỷ lục.
Khi đại dịch xảy ra, nhiều công ty hạn chế đầu tư do quan ngại về kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên bảo vệ nhân viên và bảo toàn tiền mặt thay vì tăng đầu tư.
Tuy nhiên, khi tiêm chủng tăng tốc ở một số quốc gia và kinh tế của các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu M&A xuyên biên giới của Nhật Bản dần hồi phục.
Trong quý 2, các thương vụ mua lại ở nước ngoài của Nhật Bản tăng tốc, ngay cả so với quý 1. Số lượng giao dịch tăng 29% so với quý 1, trong khi tổng giá trị tăng 9%.
Tổng giá trị các thương vụ trong nửa đầu năm 2021 đạt 4,1 nghìn tỷ yên, gần tương đương con số năm 2020 là 4,4 nghìn tỷ yên.
BIZIT, công ty vận hành nền tảng môi giới đầu tư trực tuyến thuộc công ty tư vấn M&A toàn cầu GCA Corp, cho biết: “Động lực cho các thương vụ mua lại ở nước ngoài đang bắt đầu tăng lên. Nhiều công ty truy cập nền tảng của chúng tôi trong hai, ba tháng qua”.
Thương vụ mua lại lớn nhất được công bố từ đầu năm đến nay là của Hitachi. Tập đoàn thiết bị điện này chuẩn bị mua lại công ty phát triển phần mềm GlobalLogic của Mỹ với giá 9,6 tỷ USD, nhằm thúc đẩy Lumada, nền tảng Internet vạn vật (Internet of Things) chủ chốt của Hitachi.
Panasonic, công ty điện tử khác của Nhật Bản, có kế hoạch hoàn tất việc mua lại Blue Yonder, doanh nghiệp Mỹ chuyên phát triển các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, với giá 7,1 tỷ USD - thương vụ mua lại lớn nhất trong một thập kỷ.
Keishi Sakakibara, giám đốc phụ trách các thương vụ xuyên biên giới của Nihon M&A Center, công ty M&A độc lập lớn nhất Nhật Bản, cho biết: “Hầu hết các thương vụ đang được thực hiện là các thương vụ trong đó doanh nghiệp Nhật Bản mua lại các công ty phần mềm hoặc các công ty liên quan đến công nghệ thông tin”.
Ông Sakakibara nói mua các hãng xuất phần mềm dễ hơn các hãng sản xuất, vì “hạn chế đi lại khiến các doanh nghiệp khó đến thăm các nhà máy ở nước ngoài”.
“Các công ty Nhật Bản do dự khi mua hàng mà không thực sự nhìn thấy nhà máy và hoạt động của người bán”.
Tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank Group đã bơm ra gần 3 tỷ USD qua thương vụ mua 40% cổ phần của AutoStore, công ty robot có trụ sở tại Na Uy chuyên về công nghệ tự động hóa kho hàng.
Cùng nhau, họ tìm cách hưởng lợi từ sự tăng trưởng của thị trường hậu cần do đại dịch thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến.
Trong khi các thương vụ lớn nhất chủ yếu là các công ty Nhật Bản mua lại các công ty phương Tây, các thương vụ nhỏ hơn ở châu Á cũng tăng về số lượng.
BIZIT nói nhu cầu mua các công ty ở Singapore và Việt Nam rất mạnh. Cả hai quốc gia đều cho thấy sự “kiên cường” của nền kinh tế nhờ thực hiện các biện pháp kiểm soát virus nghiêm ngặt.
Ông Sakakibara nói ông hy vọng các thương vụ sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia mở cửa trở lại đối với hoạt động đi lại phục vụ kinh doanh và tiêm chủng được đẩy nhanh.
Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho dân vào tháng 10 hoặc tháng 11.
“Tôi nghĩ thị trường M&A xuyên biên giới có triển vọng tươi sáng bắt đầu từ năm tới khi tiêm chủng tiến triển”.
Tuy nhiên, BIZIT cũng chỉ ra những khó khăn cản trở việc hoàn thành các giao dịch.
“Trong khi người bán muốn bán ở mức giá cao nhất có thể, tác động của COVID-19 đến thu nhập khiến người mua và người bán khó đồng ý về giá, dẫn đến việc trì hoãn một số giao dịch”.
(Theo Nikkei Asia)