CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
“Nhiều người nói, người Việt Nam khó hợp tác với nhau. Điều này không đúng. Chưa hợp tác là vì chưa có việc khó đến mức phải hợp tác. Chưa hợp tác là vì chưa lớn mạnh đến mức mình có cái mà người khác không có”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu như vậy tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển hệ thống trạm gốc di động 5G gNodeB giữa Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (thuộc tập đoàn Viettel) và Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (thuộc tập đoàn Vingroup), chiều 20/10, tại trụ sở Bộ TT&TT.
Viettel và Vingroup hợp tác phát triển trạm gốc di động 5G. Ảnh: Trọng Đạt
Theo thỏa thuận hợp tác, hai doanh nghiệp cam kết cùng dành nguồn lực tốt nhất với mục tiêu đến tháng 6/2021 sẽ sẵn sàng cho việc thương mại hóa phiên bản Macro 8T8R. Bên cạnh đó, Viettel và Vingroup hướng đến mục tiêu sẵn sàng thương mại hóa phiên bản trạm 5G Macro 64T64R vào tháng 6/2022.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vietel cho biết, đơn vị này đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính Viettel sản xuất vào tháng 1/2020. Trong năm 2021, Viettel sẽ hoàn thành việc phát triển mạng lõi 5G để tạo ra một mạng 5G hoàn chỉnh do người Việt Nam sản xuất.
Theo ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vingroup, trạm gốc di động 5G do VinSmart hợp tác nghiên cứu phát triển cùng với Viettel sẽ được thương mại hóa giữa năm 2021. Đây sẽ là những trạm phát sóng 5G chất lượng cao đầu tiên được thương mại hóa do người Việt Nam làm chủ công nghệ.
Làm chủ thiết bị hạ tầng mạng lưới có ý nghĩa quyết định
Trước thành quả phát triển của 2 doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nghiên cứu, sản xuất được thiết bị hạ tầng viễn thông luôn là khát vọng chảy bỏng của tất cả các thế hệ ngành viễn thông, nhất là các thế hệ lãnh đạo.
“Năm 2020, chúng ta có thể tự hào nói rằng, Việt Nam đã làm chủ hầu hết các thiết bị viễn thông, từ thiết bị người sử dụng tới thiết bị nhà mạng. Việt Nam trở thành một trong số rất ít nước làm được điều này.”
Khi hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, vấn đề an toàn, an ninh mạng trở thành yếu tố sống còn của chuyển đổi số, việc làm chủ thiết bị hạ tầng mạng lưới có ý nghĩa quyết định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam có thể tự tin thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia bởi hầu hết các thiết bị viễn thông, các sản phẩm thuộc hệ sinh thái an ninh mạng là do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Cả thế giới mới có 4 nước sản xuất được thiết bị 5G. Do vậy, Viettel và Vingroup chính là những ví dụ sinh động chứng minh doanh nghiệp Việt Nam có thể sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ Việt.
Tinh thần “có thể làm được”
Sự sáng tạo của người Việt Nam không thua kém ai. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta có dám nghĩ đến, có dám nghĩ rằng mình có thể làm được. Với tinh thần “có thể làm được” thì não người được bổ sung năng lượng vô hạn, việc khó không còn khó nữa, và vì thế, người Việt Nam có thể sáng tạo ra công nghệ.
Viettel và Vin Group là những ví dụ sinh động để chứng tỏ người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được, có thể sáng tạo ra công nghệ Việt, góp phần cho đất nước phát triển bứt phá, thay đổi thứ hạng và trở thành hùng cường thịnh vượng, không kẻ thù nào dám đến xâm phạm, và có thể đóng góp cho sự phát triển của thế giới, của nhân loại.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Trọng Đạt.
Người Việt Nam khó hợp tác với nhau – Không đúng
Nhiều người nói, người Việt Nam khó hợp tác với nhau. Điều này không đúng. Chưa hợp tác là vì chưa có việc khó đến mức phải hợp tác. Chưa hợp tác là vì chưa lớn mạnh đến mức mình có cái mà người khác không có. Khi đặt ra sứ mệnh lớn lao, khi mỗi chúng ta đã có cái xuất sắc và độc đáo của riêng mình thì hợp tác tự nhiên sẽ đến.
Viettel là một doanh nghiệp nhà nước. Vin Group là một doanh nghiệp tư nhân. Cả hai doanh nghiệp này chung một khát vọng là sáng tạo công nghệ Việt và mang ra toàn cầu. Viettel có một thị trường viễn thông ban đầu đủ lớn, với 11 quốc gia có dân số 350 triệu, sẽ là cái nôi để thiết bị được hoàn thiện. Vin Group ngay từ ngày đầu đã hướng tới thị trường toàn cầu, mà đầu tiên là Mỹ và châu Âu. Viettel có một chiến lược dài hạn về phát triển công nghệ. Vin Group thì có sự linh hoạt, ra quyết định nhanh. Viettel mạnh về phần mềm. Vin Group mạnh về phần cứng. Sự hợp tác giữa một doanh nghiệp nhà nước và một doanh nghiệp tư nhân kết hợp được sức mạnh của hai loại hình doanh nghiệp.
Cả thế giới mới có 4 nước sản xuất được thiết bị 5G. Nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G không phải việc dễ, mà là việc rất khó, cần đến sự hợp lực, vì vậy mà ra đời sự hợp tác giữa Viettel và Vin Group. Viettel và Vin Group đều đã lớn mạnh đến mức có cái mà người khác không có để hợp tác với nhau.
Vin Group tập trung làm phần vô tuyến. Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu gốc, mạng lõi và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Thiết bị của hai tập đoàn này hướng tới thị trường toàn cầu.
Công nghệ mở tạo nên niềm tin số
Việt Nam chọn hướng công nghệ mở để phát triển 5G. Vì cách tốt nhất để đảm bảo an ninh mạng cho 5G là công nghệ mở. Để mọi quốc gia khi sử dụng thiết bị 5G của bất kỳ hãng công nghệ nào cũng vẫn có thể kiểm soát. Đây là tiếp cận của Việt Nam.
Các công ty công nghệ Việt Nam cam kết các quốc gia khi sử dụng thiết bị 5G “Make in Vietnam” thì đều được cung cấp công cụ để có khả năng kiểm soát an ninh mạng của mình. Mở chính là con đường tạo ra niềm tin số toàn cầu.
Và cũng vì cách tiếp cận công nghệ mở mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp toàn cầu có thể chung tay nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G Việt Nam.
Năm 2020 này, Việt Nam chính thức thử nghiệm thương mại 5G tại một số thành phố lớn để người dân có thể sử dụng. Như vậy là Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Năm 2021 sẽ là năm thương mại hoá diện rộng. Đây là cách tiếp cận theo pha của Việt Nam về phát triển 5G. Bộ trưởng TT&TT khuyến cáo Viettel và Vin Group đảm bảo rằng thiết bị của mình sẵn sàng theo các pha này.
Theo VietNamNet