CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Phát triển năng lượng tái tạo sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức thời gian tới.
Hợp tác phát triển năng lượng tái tạo
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Sebastian Paust, tham tán hợp tác phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, vào tuần đầu tiên của tháng 12 tới, Việt Nam và Đức sẽ bàn về hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng tái tạo. Sau đó, theo kế hoạch, hai bên sẽ ký một hiệp định liên chính phủ, về việc Đức quyết định mức hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các dự án năng lượng tái tạo và hỗ trợ Việt Nam cải thiện ngành năng lượng tái tạo.
“Đức và Việt Nam hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Biến đổi khí hậu là một thách thức chung. Bảo vệ môi trường và cung cấp năng lượng bằng cách tăng cường khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng là những trọng tâm của các nỗ lực hợp tác phát triển của Đức tại Việt Nam”, ông Paust nhấn mạnh.
Theo đó, năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục trở thành trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới. Thỏa thuận hợp tác gần đây nhất giữa hai bên được ký vào tháng 10/2019.
Trên thực tế, Việt Nam và Đức đã hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được 10 năm và sự hợp tác này luôn được cập nhật theo từng thời kỳ. Đến nay, Đức đã hỗ trợ các dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ euro (1,17 tỷ USD), gồm các dự án đã được thực hiện và các dự án đã cam kết.
Ngoài ra, về đa phương, Đức đóng góp khoảng 30% ngân sách của EU và một số tiền khá lớn vào ngân sách Liên hợp quốc. Các khoản ngân sách này cũng được dùng để hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam.
“Đức là đối tác phát triển lớn của Việt Nam, và sự hợp tác này sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới”, ông Paust khẳng định.
Cơ hội đầu tư
Việt Nam - Đức đã và đang thực hiện nhiều dự án năng lượng và năng lượng tái tạo. Năm 2015, hai nước triển khai thực hiện Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (4E), giai đoạn I (2015 - 2018) có tổng giá trị 3 triệu euro (3,5 triệu USD); giai đoạn II (2018 - 2021) có giá trị 12,16 triệu euro (14,24 triệu USD). Mục tiêu chính của Dự án 4E là phát triển các điều kiện về pháp lý, quy định và thể chế cũng như năng lực liên quan nhằm thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Từ năm 2017, Việt Nam và Đức thực hiện Dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, dự kiến kết thúc vào tháng 6/2021. Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện lộ trình lưới điện thông minh, hướng tới thúc đẩy hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống truyền tải và phân phối điện quốc gia. Với sự tài trợ của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức, Dự án đang phối hơp chặt chẽ với Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) nhằm hỗ trợ các chuyên gia ngành năng lượng Việt Nam phát triển lưới điện thông minh.
Thông qua hợp tác phát triển năng lượng tái tạo giữa hai nước, nhiều doanh nghiệp Đức đã và đang thực hiện các dự án liên quan tại Việt Nam.
Gần đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp đoàn doanh nghiệp Đức sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ông Anton Milner, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IB Vogt (Đức) cho biết, IB Vogt đang nghiên cứu 2 dự án năng lượng điện mặt trời ở tỉnh Đắk Lắk và mong muốn được Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện, có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án tại Việt Nam.
Đánh giá cao ý định hợp tác của Công ty IB Vogt tại Việt Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích phát triển và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam đang từng bước cải thiện cơ cấu nguồn điện theo hướng ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn PNE (Đức). Tập đoàn PNE đã đề xuất thực hiện dự án phát triển công viên điện gió ngoài khơi tại Bình Định với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Đồng thời, PNE cũng muốn tìm hiểu cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng gió tại Bình Định và quy trình phát triển, phê duyệt dự án điện gió tại Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh Bình Định ủng hộ và cam kết tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo để phát triển kinh tế, đảm bảo tiêu dùng. Theo tính toán, đến năm 2025, dự kiến cả nước cần 90.000 MW; đến năm 2030 cần khoảng 130.000 MW.
Nguồn Báo Đầu Tư