CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Báo cáo của Ngân hàng HSBC nhận định, các điều kiện nền tảng vững mạnh sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19.
Điện thoại vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 9/2021 của Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố cho thấy những tổn thất kinh tế của Việt Nam dưới tác động của dịch COVID-19.
Theo HSBC Việt Nam, thời gian giãn cách xã hội kéo dài tại 19 tỉnh thành phía Nam khiến tổn thất chủ yếu thuộc về các ngành gia công sử dụng lực lượng lao động lớn, như da giày và dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa, đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, trong khi xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ, xuất khẩu điện thoại lại duy trì ổn định đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ bất chấp những khó khăn do biến chủng Delta gây ra.
"Nguyên nhân sâu xa chính là sự phân bố về địa lý của các cụm công nghiệp điện tử. Samsung, nhà đầu tư độc lập lớn nhất Việt Nam, sản xuất điện thoại thông minh tại 2 nhà máy nằm ở miền Bắc. Sau đợt bùng dịch biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp đã dần lấy lại hoạt động như bình thường. Trong khi đó, nhà máy của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP. HCM là nơi sản xuất đồ gia dụng điện tử lại chịu ảnh hưởng nặng nề" - các chuyên gia của HSBC Việt Nam lý giải.
Nhìn trên bình diện rộng hơn, đợt bùng dịch biến chủng Delta đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ.
Tuy nhiên, HSBC Việt Nam nhận định, bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. "Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bắt đầu hành động. Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỉ USD cho nhà máy ở TP. Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED", báo cáo của HSBC cho biết.
Trên cơ sở tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã dự báo, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng 10,7% so với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của năm 2020.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, đối với các nhóm hàng chủ lực, trong khi kim ngạch xuất khẩu điện thoại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; sắt thép các loại tăng cao thì ngược lại, nhiều mặt hàng có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt và may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại... Mặc dù giảm trong tháng 8 nhưng tính chung trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chính của nhóm này đều tăng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, nhiều nhà máy đóng vai trò là mắt xích của chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.
“Nhu cầu hàng hóa của thế giới đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19”, Thứ trưởng nhận định.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ