CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khủng hoảng năng lượng hậu COVID: Bài 1 - Điểm bùng phát

Invest Global 11:43 25/10/2021

Nhàđầutư: Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ nhu cầu năng lượng tăng cao khi các nền kinh tế bắt đầu hồi phục thời kỳ hậu đại dịch, cộng hưởng với sự bất ổn của hệ thống cung ứng toàn cầu, bị gián đoạn và tổn thương bởi các sự kiện thất thường và cực đoan của thời tiết. 

Thế giới tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng mới.  Ảnh: Reuters.

LTS: Khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và các nhà lãnh đạo toàn cầu chuẩn bị tụ họp cho một hội nghị mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng năng lượng bất ngờ ập đến trên toàn thế giới. Điều này đang đe dọa các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng, khuấy động căng thẳng địa chính trị và đặt ra câu hỏi về việc liệu thế giới đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng năng lượng xanh hay chưa?
***

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 - dẫn tới nhu cầu năng lượng tăng cao - là nguyên nhân chính đằng sau cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã diễn ra sau một năm sau khi toàn thế giới đang có những nỗ lực giảm hoạt động khai thác than, dầu và khí đốt. Các nhà phân tích lo ngại tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cao trên toàn thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh tế của các nước.

Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn tới cuộc khủng hoảng này cũng bao gồm: mùa đông dài và lạnh bất thường ở châu Âu vào đầu năm nay làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt, một loạt cơn bão buộc các nhà máy lọc dầu ở vùng Vịnh phải đóng cửa, mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc - Úc khiến Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than từ xứ sở chuột túi gần một năm qua (hiện đã nới lỏng một phần lệnh cấm), và tình trạng gió lặng kéo dài ở biển Bắc làm giảm mạnh sản lượng điện của các tuabin gió.

Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng lớn đầu tiên của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Và đó chắc chắn sẽ không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng.

Tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên và thị trường điện từ Anh đến Trung Quốc đang bùng phát khi nhu cầu bùng phát trở lại sau đại dịch. Nhưng toàn cầu đã phải đối mặt với thị trường năng lượng đầy biến động và nguồn cung bị thắt chặt trong nhiều thập kỷ. Điều khác biệt hiện nay là các nền kinh tế giàu nhất cũng đang trải qua một trong những cuộc đại tu đầy tham vọng nhất đối với hệ thống điện của họ kể từ kỷ nguyên điện .

Nhưng việc chuyển đổi thực tế sẽ mất hàng thập kỷ, trong thời gian đó thế giới vẫn sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch ngay cả khi các nhà sản xuất lớn hiện đang thay đổi mạnh mẽ chiến lược đầu ra của họ.

Tại châu Âu, sau một mùa đông lạnh hơn bình thường, lượng tồn kho khí đốt tự nhiên cạn kiệt, giá khí đốt và điện tăng cao do nhu cầu từ các nền kinh tế đang phục hồi tăng quá nhanh khiến nguồn cung không thể đáp ứng kịp.

Nhưng giờ đây, Vương quốc Anh và châu Âu dựa vào sự kết hợp rất khác nhau giữa các nguồn năng lượng. Than đã bị cắt giảm đáng kể, trong nhiều trường hợp, được thay thế bằng khí đốt sạch hơn. Nhưng nhu cầu toàn cầu tăng cao trong năm nay đã khiến nguồn cung khí đốt trở nên khan hiếm. Đồng thời, hai nguồn năng lượng khác - gió và nước - có sản lượng thấp bất thường, do tốc độ gió chậm hơn bất ngờ và lượng mưa thấp ở các khu vực bao gồm cả Na Uy.

Nói cách khác, sự căng thẳng  của thị trường khí đốt toàn cầu đã kích hoạt giá điện tăng cao kỷ lục ở châu Âu và quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, xanh đã khuếch đại tiến trình đó.

Tác động ập đến châu Âu là một dấu hiệu đáng ngại về các cú sốc có thể xảy ra nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu. Ngay cả khi năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngày càng trở nên dồi dào và rẻ, nhiều nơi trên thế giới trong nhiều thập kỷ vẫn sẽ phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu hóa thạch khác để dự phòng. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhà đầu tư và công ty trong ngành lại đang giảm dần.

Về bản chất, bản thân quá trình chuyển đổi - điều bắt buộc đối với trái đất- không gây ra cuộc khủng hoảng. Nhưng bất kỳ hệ thống lớn, phức tạp nào cũng có thể trở nên mỏng manh hơn khi nó đang trải qua một sự thay đổi lớn.

Theo BloombergNEF, tất cả những điều này đang diễn ra vào thời điểm tiêu thụ điện năng dự kiến sẽ tăng 60% vào năm 2050, khi thế giới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng ô tô, bếp và hệ thống sưởi chạy bằng điện.

Sự gia tăng nhu cầu điện kết hợp với biến động giá nhiên liệu đồng nghĩa với việc thế giới có thể phải ở trong một vài thập kỷ đầy khó khăn. Các hậu quả bao gồm từ việc xuất hiện các giai đoạn lạm phát gây ra bởi khủng hoảng năng lượng, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập, đến nguy cơ mất điện, khiến sản xuất bị giảm sút, tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Hiệu ứng toàn cầu

Các hệ thống năng lượng được kết nối với nhau, do đó, khủng hoảng và sự lan tỏa của nó đang được cảm nhận trên toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng đã có những tác động trực tiếp đến các ngành công nghiệp, làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và làm rối loạn chuỗi cung ứng.

Tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên có kỳ hạn đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay, trước khi nhu cầu đạt mức cao nhất đi kèm với một mùa đông lạnh hơn. Với 40% điện năng của Mỹ hiện được tạo ra bằng khí đốt, những mức giá cao hơn chắc chắn sẽ đẩy hóa đơn tiền điện của người dân và doanh nghiệp lên mức kỷ lục.

Ở Trung Quốc, ngay cả khi chính phủ nước này thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, nền kinh tế công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, gồm than đá, khí đốt và dầu mỏ. Và khi các nhà máy của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại thời kỳ hậu COVID-19, Trung Quốc chỉ đơn giản là không có đủ nhiên liệu cho tất cả. Chỉ số sản xuất của Trung Quốc sụt giảm lần đầu tiên vào tháng 9 sau 19 tháng, qua đó cho thấy chi phí năng lượng tăng vọt đã trở thành cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế này.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang cố gắng ổn định tình hình bằng cách mua thêm than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở nước ngoài. Điều đó khiến quốc gia này phải cạnh tranh trực tiếp với châu Âu, dẫn tới nguy cơ khiến lục địa này đói nhiên liệu và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.

Bên cạnh đó, sẽ có một cuộc chiến không thể tránh khỏi về những mặt hàng xuất khẩu có sẵn, khiến một số nước đang phát triển như Ấn Độ và Pakistan lo lắng rằng hàng hóa của nước họ không thể cạnh tranh trên thị trường tế giới.

Bước cản đà phục hồi hậu COVID

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thêm 500.000 thùng mỗi ngày (bpd) và có thể gây ra lạm phát và làm chậm sự phục hồi của thế giới sau đại dịch COVID-19.

Giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, khiến giá điện tăng lên mức kỷ lục khi tình trạng thiếu năng lượng lan rộng ở châu Á và châu Âu.

IEA cho biết trong báo cáo dầu hàng tháng của mình: "Giá than và khí đốt kỷ lục cũng như tình trạng mất điện đang khiến ngành điện và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chuyển sang sử dụng dầu mỏ để duy trì hoạt động. Giá năng lượng cao hơn cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát, cùng với việc mất điện, có thể dẫn đến hoạt động công nghiệp giảm và sự phục hồi kinh tế chậm lại".

Do đó, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới được dự báo sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Cơ quan này đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cho năm nay là 170.000 thùng/ngày, hoặc tổng cộng 5,5 triệu thùng trong năm và 210.000 thùng/ngày vào năm 2022, hoặc tổng cộng 3,3 triệu.

Nhu cầu tăng cao trong quý vừa qua đã dẫn đến việc dự trữ các sản phẩm dầu giảm mạnh nhất trong 8 năm, trong khi mức dự trữ ở các nước OECD ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.

"Dữ liệu tạm thời của tháng 8 đã chỉ ra rằng nhu cầu cao bất thường đối với dầu nhiên liệu, sản phẩm chưng cất thô cho các nhà máy điện ở một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Pakistan ở châu Á, Đức và Pháp ở châu Âu và Brazil", IEA nói.

Trong khi đó, IEA ước tính rằng nhóm sản xuất OPEC + sẽ chỉ bơm 700.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu ước tính đối với dầu thô trong quý IV năm nay. Điều này có nghĩa là nhu cầu sẽ vượt cung ít nhất cho đến cuối năm 2021.

IEA cho biết: "Sự gia tăng chi tiêu cho việc chuyển đổi năng lượng sạch là con đường phía trước, nhưng điều này cần phải diễn ra nhanh chóng nếu không các thị trường năng lượng toàn cầu sẽ phải đối mặt với một con đường gập ghềnh".

IEA cũng nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế từ đại dịch là 'không bền vững' và phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Đầu tư vào năng lượng tái tạo cần phải tăng gấp ba lần vào cuối thập kỷ này nếu thế giới hy vọng công cuộc chống lại biến đổi khí hậu có thể được thực hiện một cách hiệu quả.

(Còn nữa)

Đón đọc: Khủng hoảng năng lượng hậu COVID: Bài 2 - Hiệu ứng lan tỏa

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan