CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Loay hoay tìm cách thu hút nhà đầu tư chiến lược

Chuyên Gia 14:25 11/12/2020

Theo hướng dẫn IPO của doanh nghiệp nhà nước đang được xây dựng, trong 4 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được phê duyệt, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc bán cổ phần.

Theo hướng dẫn bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp nhà nước đang được Bộ Tài chính xây dựng, trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được phê duyệt, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc bán cổ phần.



Nhà đầu tư chiến lược phải tiếp tục giữ thương hiệu

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn IPO của doanh nghiệp nhà nước đang được Bộ Tài chính xây dựng, thì nhà đầu tư chiến lược (không phân biệt trong hay ngoài nước) phải có đủ năng lực tài chính và kết quả sản xuất - kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế và chỉ được mua cổ phần tại doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn.

Đồng thời, để được mua cổ phần IPO, nhà đầu tư phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ thời điểm trở thành nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư chiến lược phải cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 3 năm, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, bổ sung điều kiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có cùng ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính và các điều kiện khác phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan để phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nhà đầu tư chiến lược phải nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng với giá trị bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa (gấp 2 lần nhà đầu tư không phải là chiến lược).

Giám sát chặt doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%

Những thay đổi trên được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và đăng ký/niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp hậu cổ phần trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Vietnam, muốn đẩy nhanh được tiến độ cổ phần hóa, điều quan trọng là cần hiểu được mức độ quan tâm của thị trường, đặc biệt là đối với nhà đầu tư chiến lược. Điều này có thể thực hiện thông qua việc Bộ Tài chính lấy ý kiến phản hồi từ nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Các phản hồi của nhà đầu tư sẽ cho biết, họ có mặn mà tham gia cổ phần hóa hay không.

Cũng theo ông Nguyên, hiện còn nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa thiếu công khai, minh bạch về thông tin, số liệu, đặc biệt là những doanh nghiệp có vấn đề về tài chính hoặc đang được hưởng các lợi thế đặc biệt trong kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư chiến lược không mặn mà mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước IPO.

Ông Nguyên cho rằng, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hầu hết là doanh nghiệp lớn và nằm trong danh mục thu hút nhà đầu tư chiến lược như Agribank, Vinacomin, VNPT, Vinachem, Vinafood 1, Vicem, MobiFone… vì vậy, để thu hút được nhà đầu tư, các bộ, ngành đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải cung cấp thông tin định hướng cụ thể, chi tiết về tiềm năng của doanh nghiệp cho nhà đầu tư và phải thực hiện đăng ký/niêm yết cổ phiếu theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Để thu hút nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyên khuyến nghị, trước khi cổ phần hóa, cần xác định cụ thể đối tượng mua cổ phần và cơ cấu chia cổ phần hậu cổ phần hóa một cách hợp lý và giải quyết bài toán về cách thức bán cổ phần phù hợp.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Kiểm, Vụ trưởng Vụ Chế độ kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước) cho rằng, cần phải xem lại quy định yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc, ký quỹ 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm, vì tỷ lệ này là quá cao, trong nhiều trường hợp sẽ trở thành rào cản đối với không ít nhà đầu tư chiến lược.

“Theo quy định, trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư chiến lược không được nhận lại tiền đặt cọc hoặc bị phạt số tiền tương đương khoản giá trị đặt cọc trong trường hợp ký quỹ, bảo lãnh. Ví dụ, nhà đầu tư chiến lược dự kiến bỏ ra 10 tỷ đồng để tham gia IPO, nhưng vì lý do nào đó, họ không mua nữa thì sẽ bị mất ngay 2 tỷ đồng - số tiền quá lớn, khiến nhiều nhà đầu tư chiến lược dè dặt”, ông Kiểm nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc chỉ thu hút nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghiệp mà Nhà nước giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên, theo ông Kiểm, cũng cần tính toán tỷ lệ sở hữu nhà nước sao cho hợp lý. Nếu Nhà nước giữ tỷ lệ phần vốn quá cao, nhà đầu tư chiến lược chỉ được nắm giữ 15-20% vốn, thì họ sẽ không mặn mà, bởi tiếng nói của họ trong doanh nghiệp không có nhiều trọng lượng.

NGUỒN BÁO ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan