CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngành cà phê, gỗ... và lệnh cấm nhập hàng trên đất rừng suy thoái của EU

Invest Global 09:35 13/06/2023

Còn nhớ, gần 2 năm trước, ngày 17/11/2021, Uỷ ban Châu Âu đề xuất dự luật ngăn chặn nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng, suy thoái rừng với tên gọi là Quy định Chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, EU cấm nhập khẩu mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, suy thoái rừng, kể từ sau ngày 31/12/2020. Gồm các lĩnh vực, mặt hàng: chăn nuôi gia súc, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ…

Trong nguy có cơ

Dự luật trên được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng trước, dự kiến bắt đầu có hiệu lực chính thức từ tháng 12/2024. Như vậy, ngành gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và cà phê của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khi quy định này áp dụng.

-6657-1686560608.jpg

Sản xuất manh mún khiến ngành cà phê Việt Nam vẫn khó truy xuất nguồn gốc. 

Đại diện cho ngành cà phê, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam cho biết, thời gian qua, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tạo ra khó khăn cho ngành trong việc nâng cao chất lượng, sản lượng. Thống kê diện tích trồng cà phê hiện có trên dưới 680 ngàn ha, đã thu hoạch thương mại nên hầu như rất ít diện tích trồng mới sau năm 2020.

Thị trường EU chiếm khoảng 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam. Điều này cho thấy, đây là thị trường lớn, nếu không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân, bởi đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để nâng cao thị phần của cà phê Việt Nam ở thị trường EU.

Lo ngại hơn, ông Hải cho biết, nếu quy định trên không được phổ biến rộng rãi tới bà con nông dân (phát triển diện tích trồng mới phải tuyệt đối không được trồng trên đất rừng suy thoái), sẽ rất bất lợi. Đây cũng là mối lo bởi giá cà phê hiện đang ở mức trên dưới 70.000 đồng/kg, đây là mức giá kỷ lục trong nhiều năm qua

“Trong bối cảnh giá cà phê ở mức cao như vậy thì cần có giải pháp giúp người nông dân, đặc biệt là bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không trồng cà phê trên đất rừng suy thoái, tránh những ảnh hưởng không đáng có”, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam nhìn nhận.

Mặt khác, ông Hải chỉ ra, khó khăn của ngành cà phê Việt Nam là sản xuất chủ yếu với sự tham gia của 1,2 triệu hộ nông dân, diện tích 0,5 ha trở xuống rất nhiều, điều này đặt ra thách thức về truy xuất nguồn gốc tận vườn khó khăn…

Với ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đánh giá, các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp và một số sản phẩm khác là các mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam không còn tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên, còn những trường hợp chuyển đổi bất hợp pháp không có sản phẩm gỗ xuất sang EU. Do vậy, quy định mới sẽ không quá gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ.

Dù vậy, VIFOREST cũng lưu ý, với quy định mới này sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ có thêm nhiều việc phải làm. Doanh nghiệp phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà doanh nghiệp sử dụng.

PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) nói rằng, theo dự luật mới của EU, tất cả sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm khác từ rừng vẫn được xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp phải chứng minh một cách đầy đủ, rõ ràng các sản phẩm này không làm ảnh hưởng và không làm phá rừng tự nhiên.

Mặc dù, Việt Nam đã có Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) được quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP và một số văn bản dưới luật. Tuy nhiên, Nghị định này cần phải được bổ sung, hoàn thiện thêm những điều mà EU và các đối tác khác yêu cầu. 

Chuẩn bị với tâm thế không chủ quan 

Quay trở lại ngành cà phê, ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công Bằng EaTu (Đắk Lắk) chia sẻ, HTX không có diện tích cà phê trồng trên diện tích phá rừng, nhưng HTX cũng rất băn khoăn về tương lai phát triển khi việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà HTX gặp phải là khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi khi thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Bên cạnh đó, HTX EaTu cũng mong muốn cơ quan chức năng hướng dẫn HTX làm hồ sơ đề xuất dự án và trình UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt danh mục dự án phù hợp, hỗ trợ thuê đất và chế biến để nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam.

Được biết tới là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho hay, địa phương sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sản xuất để chuẩn bị các chứng nhận cho những vùng đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu mới của EU, để khi dự luật có hiệu lực thì Đắk Lắk đã sẵn sàng về mặt thủ tục cho các sản phẩm xuất khẩu. Đây cũng là những cảnh báo để ngăn ngừa tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất hay sử dụng đất có nguồn gốc từ phá rừng.

Theo ông Dương, các địa phương cần chủ động nắm vững yêu cầu của dự luật trên, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai trên nguyên tắc kế thừa, dễ làm và ít tốn kém, đáp ứng yêu cầu của phía EU.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, quy định này sẽ có 3 ngành hàng là cà phê, cao su, gỗ và lâm sản bị tác động. Tuy nhiên, đây là cơ hội lớn để các ngành hàng phải cấu trúc đến chuẩn bền vững hơn. Năm 2017, Thủ tướng ra lệnh đóng cửa rừng, Chính phủ Việt Nam triển khai chương trình làm mã số vùng trồng cho các mặt hàng nông sản…

“Đây cũng là cơ hội lớn để đem lại sự bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đất nước nước Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh nếu làm tốt thì các ngành hàng sẽ được hưởng lợi với giá cao hơn rất nhiều.

-2892-1686560608.png

Ông Lê Minh Hoan

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT 

Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cần sớm trình khung hành động để thực hiện quy định này của EU. Trong khung hành động cần đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản, trong đó có cà phê; phân định rõ ràng trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, chính quyền các cấp và người dân để thực hiện quy định của EU. Chúng ta phải tự thay đổi mình để tạo dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm nông sản.

-2349-1686560608.png

Ông Rui Ludovino

Tham tán thứ nhất Phái đoàn Liên Minh châu Âu tại Việt Nam

EU đánh giá cao cách tiếp cận quy định mới này của Việt Nam để tìm kiếm giải pháp và cách tiếp cận đáp ứng quy định trên. Tiếp cận của Việt Nam trong việc biến khó khăn, thách thức thành cơ hội là rất quan trọng. Tôi tin rằng, quy định này sẽ là cơ hội để Việt Nam chứng minh với thế giới về sự phát triển bền vững của các mặt hàng nông sản Việt Nam. Việc thực thi các yêu cầu này vừa để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, vừa giúp nông sản Việt Nam đi theo xu hướng tất yếu về phát triển bền vững của thế giới.

-9506-1686560608.png

Ông Lê Đức Huy

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk)

Cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải theo dõi kỹ các yêu cầu từ thị trường EU cũng như các đối tác nhập khẩu lớn để quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, tuyệt đối không phát triển mới vùng sản xuất cà phê ở các vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái. Bên cạnh đó, cần có hệ thống bản đồ hiện trạng rừng chính xác để xác định rõ, tránh sự mơ hồ, từ đó doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện quy định này của thị trường EU. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân không trồng cà phê trên đất phá rừng.

Nhật Linh 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan