CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngành chè cần chuyển đổi sản xuất để thoát ra khỏi “bẫy” giá rẻ

Invest Global 09:35 06/11/2024

Ngày 5/11/2024, tại thị xã Phú Thọ, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) hợp tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao”.

VẪN CHỈ LÀ CÂY XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông), cho biết chè là một trong những giống cây nội địa, được phát triển thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Ngành chè thu hút lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người từ 34 tỉnh thành. Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cho ngành chè phát triển, với những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, Ô long Cầu Đất (Lâm Đồng)...

Tuy nhiên đến nay, chè vẫn chỉ là cây xoá đói giảm nghèo, chưa thực sự trở thành cây làm giàu như một số cây trồng khác (cà phê, sầu riêng, tiêu…). Vì vậy, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.

Quang cảnh Diễn đàn.Quang cảnh Diễn đàn.

Theo ông Mạnh, sản lượng chè tại Việt Nam những năm qua vẫn có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023.

“Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, nhưng giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn”, ông Mạnh thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh: Ông Nguyễn Quốc Mạnh: "Phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp".

Theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710,0 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

"Thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lý do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới".

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.

Lý giải vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Ông Hoàng Vĩnh Long: Ông Hoàng Vĩnh Long: "Xuất khẩu chè Việt Nam đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới".

“Mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, bán chè ở thị trường trong nước với giá từ 7 USD-20 USD/kg, hòa chung giá chè nội tiêu trung bình khoảng 4 USD/kg. Thế nhưng giá chè xuất khẩu bình quân chỉ 1,7 USD/kg”, ông Long làm rõ vấn đề.

SẢN XUẤT PHẢI ĐÁP ỨNG TIÊU CHUẨN AN TOÀN THỰC PHẨM

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Việc quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.

Ông Lê Thanh Hoà: Ông Lê Thanh Hoà: "Sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm".

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép trên 260 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu, bệnh đối với cây chè.

Theo ông Hòa, quy định về chè của các nước nhập khẩu có một số điều khác nhau. Riêng thị trường Pakistan, chè Việt Nam xuất đi quốc gia này ngoài đáp ứng tiêu chuẩn Codex, ISO, còn phải có chứng nhận Halal.

TS Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho hay giai đoạn 2019 - 2024, công tác nghiên cứu về cây chè được Viện triển khai, đã lựa chọn ra được bộ giống chè mới gồm 16 giống chè.

Bên cạnh đó, các quy trình kỹ thuật canh tác bền vững gồm có 5 tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ và 13 quy trình kỹ thuật cấp cơ sở đã được ngành sản xuất chè áp dụng trên hàng ngàn ha chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn chè hữu cơ góp phần làm tăng giá trị cho sản phẩm chè Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, cho biết hiện Công ty đã sản xuất ra bộ phân bón hữu cơ khoáng gồm 4 sản phẩm chứa vi sinh. Các vi sinh vật này có khả năng đối kháng với các loại vi nấm, vi sinh vật gây bệnh, nâng cao sức đề kháng của cây trồng trước các loại sâu bệnh, giúp giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Riêng đối với cây chè, Supe Lâm Thao đã có mô hình trình diễn phân bón hiệu quả, giúp cây chè phát triển khỏe mạnh, ra búp nhanh, sản phẩm chè có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn sạch.

Ông Hà Trọng Hải: Ông Hà Trọng Hải: "Tỉnh Lai Châu  ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè". 

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, toàn tỉnh có trên 10.500ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích.

Tỉnh Lai Châu cũng ban hành các chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè như: hỗ trợ 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất và chế biến.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng ngành chè Lai Châu còn những hạn chế, yếu kém. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, RA, hữu cơ…) còn ít. Các cơ sở chế biến chè của tỉnh có quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp.”.

Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới, khuyến nghị tỉnh Lai Châu nói riêng, các địa phương trồng chè nói chung nên có kế hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán nguồn lực vào nông hộ có quy mô quá nhỏ. Các địa phương Tây Bắc nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mô hình hợp tác xã, tạo đà cho những gia đình có vùng nguyên liệu lớn liên kết với doanh nghiệp.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan