CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

“Nút thắt” đầu tư công được tháo gỡ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế | Báo Công Thương

Invest Global 15:07 30/04/2023

Đầu tư công là động lực tăng trưởng kinh tế

Trong “Báo cáo kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tá và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào cuối tháng 4/2023 đã nhấn mạnh, vai trò quan trọng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.

4529-anh-bai-chinh Đại diện ADB cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam nên tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng ADB cho rằng: Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bởi trong bối cảnh Việt Nam đang “loay hoay” trong tắc nghẽn thị trường vốn như hiện nay thì “đầu tư công đóng vai trò then chốt”, nếu giải ngân được đầu tư công thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm gánh nặng vốn vào hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ.

Trước đó, Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2023 cũng nhận định, đầu tư công sẽ là một động lực then chốt khác cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác.

Theo đó, các chuyên gia của ADB nhận định, cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng 3, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Cũng nói về vai trò của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể tốt hơn nữa nếu việc thực hiện chi tiêu ngân sách, đặc biệt là đầu tư công hiệu quả hơn.

Cụ thể hơn về nhận định này, bà Dorsati Madani cho rằng, có một số vấn đề về việc thực hiện đầu tư công tại Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do liên quan đến giải phóng mặt bằng, hay những hạn chế liên quan đến điều chỉnh kế hoạch thực hiện dự án, những hạn chế trong quá trình đấu thầu, điều làm làm ảnh hưởng đến khả năng tài khoá và ảnh hưởng đến đến tăng trưởng kinh tế trong nước. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách để tăng cường hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới.

0513-ynh-1 Nhiều dự án đầu tư công đã hoàn thành trong 4 tháng đầu năm

Nhiều “điểm nghẽn” được khơi thông

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, theo Tổng cục Thống kê, ngay từ các tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể, ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công của các bộ, ngành và địa phương. Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung khơi thông các điểm nghẽn, hỗ trợ các nhà đầu tư và nhà thầu thi công trong thực hiện các dự án, công trình. Các chủ đầu tư, các đơn vị thi công cũng tập trung triển khai thi công nghiêm túc, khẩn trương nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, công trình. Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ theo hợp đồng, nhiều nhà thầu thi công huy động tối đa nhân lực, phương tiện triển khai các hạng mục, phấn đấu đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Kết quả, 4 tháng đầu năm 2023, trên cả nước đã hoàn thành các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, tăng cường năng lực sản xuất cho nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể: Ngành giao thông hoàn thành được nhiều tuyến đường giao thông có ý nghĩa quan trọng, điển hình là các tuyến đường cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông như: Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Ninh Bình, Thanh Hóa) dài 63,37 km; cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Đồng Nai, Bình Thuận) dài 99 km; hoàn thành bến cảng Việt Lào (bến số 3) cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với công suất 45 triệu tấn/năm.

Ngành sản xuất điện hoàn thành 8 dự án nhà máy điện và đưa vào vận hành, khai thác với tổng công suất 1348 MW. Trong đó, nổi bật là nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Ngành dệt may, da giầy hoàn thành 2 nhà máy may tại Hải Dương và Nghệ An với tổng công suất thiết kế 22,5 triệu sản phẩm/năm…

Dự kiến trong hai tháng còn lại của quý II/2023, sẽ hoàn thành một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo năng lực mới cho sản xuất công nghiệp như: Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm dự kiến hoàn thành nhà máy sản xuất thức ăn gia súc tại Cà Mau với công suất 125 nghìn tấn/năm; Ngành sản xuất sản phẩm kim loại, máy móc thiết bị dự kiến hoàn thành nhà máy sản xuất nhôm tại Hải Dương với công suất 150 nghìn tấn sản phẩm/năm; 4 nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí tại Quảng Ninh với tổng công suất thiết kế hơn 8 triệu sản phẩm/năm; Ngành sản xuất phương tiện vận tải dự kiến hoàn thành khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors tại Thừa Thiên-Huế với công suất 1 nghìn chiếc/năm; nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện tại Quảng Ninh với công suất 610 nghìn chiếc/năm.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn thuộc nguồn vốn đầu tư công đang tích cực triển khai thi công như: Dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai) đến hết tháng 4/2023 đạt 62,5% khối lượng công việc giai đoạn san nền; Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (Ninh Thuận, Bình Thuận) đạt 46% khối lượng thi công; Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh) đạt 32% khối lượng thi công; Cao tốc Bến Lức – Long Thành (Đồng Nai) đạt 82% khối lượng thi công.

Sản xuất công nghiệp tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả sẽ khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

5 giải pháp cần tập trung thúc đẩy đầu tư công

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song để hoàn thành các công trình thuộc nguồn vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, theo đại diện Tổng cục Thống kê, Việt Nam cần tập trung thực hiện 5 giải pháp, bao gồm:

Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản… vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

Thứ hai, có các chính sách bình ổn giá nguyên nhiên vật liệu và giá các loại năng lượng ổn định; đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quy trình mở rộng sản xuất, hoàn tất các yêu cầu về thủ tục trong việc xây dựng nhà xưởng;

Thứ ba, cần có các chính sách ưu tiên tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại để thu hút đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ tư, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp hữu hiệu để xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Thứ năm, các bộ, ngành và địa phương cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; Chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Nếu vượt quá thẩm quyền thì cần tổng hợp, báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp xem xét, giải quyết sớm.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan