CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phát triển ngành công nghiệp thực phẩm bền vững nhằm ứng phó với BĐKH | Báo Công Thương

Invest Global 15:48 26/04/2023

Từ ngày 24-27/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững. Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia đã cùng thống nhất chung nhận định đó là việc phát triển một hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, công nghiệp thực phẩm bền vững sẽ giúp các quốc gia thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà còn đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát thải nhà kính bằng 0 đến năm 2050 (Net Zero).

Theo đó, tại phiên thảo luận chuyên đề: “Các mô hình tiêu thụ và sản xuất” phía Việt Nam đã chia sẻ những chủ trương, chính sách và các hành động trong việc thắt chặt các quy định liên quan đến chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là hướng đi của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam nhằm thúc đẩy giá trị xuất khẩu cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát triển ngành công nghiệp thực phẩm bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững diễn ra từ ngày 24-27/4 tại TP.Hà Nội

Bày tỏ sự lo ngại trong phát triển nông nghiệp toàn cầu hiện nay, TS Rebecca Shaw, Phó Chủ tịch cấp cao của Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF), cho biết, các báo cáo tổng hợp gần đây cho thấy các chỉ số đa dạng sinh học đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong khi đó, đa dạng sinh học là yếu tố tối quan trọng trong các dịch vụ hệ sinh thái như chăn nuôi, thủy sản, sản xuất gỗ, carbon…

Trong nghiên cứu của WWF, hệ thống lương thực thực phẩm đã có những tác động đáng chú ý tới khí hậu và đa dạng sinh học, chịu trách nghiệm cho 27 - 30% lượng khí thải nhà kính trên thế giới và 70% lượng nước ngọt được khai thác”, TS Rebecca Shaw thông tin, đồng thời cũng khẳng định: "Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia nào đi đúng tiến độ trong công cuộc đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu đến năm 2025”.

Theo TS Rebecca Shaw, những mảnh ghép trong hệ thống sản xuất và tiêu thụ thực phẩm cần được xâu chuỗi, lồng ghép giữa từng cộng đồng với nhau để giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Đó là một thách thức mang tính toàn cầu.

Để đưa ra lời giải cho những mảnh ghép của hệ thống lương thực, thực phẩm ở cấp độ cơ sở, TS Rebecca Shaw đã giới thiệu mô hình tư duy “Năm I”, bao gồm: Information (thông tin) - Institutions (sự phối hợp của các cơ quan) - Integration (sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và cộng đồng) - Inclusion (sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan) - Inspiration (động cơ, truyền cảm hứng để tạo động lực thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm).

Ông Sok Silo, Tổng thư ký Hội đồng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, cho biết, những thách thức lớn nhất được Campuchia xử lý thông qua những chính sách lớn của Nhà nước, những chiến lược cấp quốc gia cũng như chiến lược tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.

“Việc đưa ra những biện pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh có vai trò rất quan trọng của Chính phủ. Bên cạnh đó, tư duy mới về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần sự chuyển đổi từ những hệ thống khác trong xã hội”, ông Sok Silo chia sẻ.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu nông sản, đồng thời nhập khẩu rất nhiều loại nguyên liệu thô phục vụ chế biến, tuy nhiên vẫn gặp những thách thức về tỉ lệ suy dinh dưỡng ở vùng cao và béo phì ở thành phố. Nền nông nghiệp thâm canh của Việt Nam đã gây ra một số ảnh hưởng nhất định như ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.

Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, TS Đào Thế Anh cho rằng chúng ta cần hỗ trợ các nông hộ nhỏ do đây là đối tượng gặp nhiều khó khăn, tư vấn về các mô hình mang tính khoa học cũng như đầu vào. "Chính vì vậy, Việt Nam rất cần sự tương trợ của tất cả các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này”, đại diện Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm.

“Thông qua các cuộc nghiên cứu, thử nghiệm, chúng tôi đưa ra các báo cáo và bằng chứng để cố gắng thuyết phục các quốc gia rằng phương pháp tiếp cận bao trùm hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là một mục tiêu rất quan trọng. Việt Nam đã tổ chức một số cuộc tham vấn để có thể huy động sự đóng góp của các bên liên quan”, ông Đào Thế Anh chia sẻ.

Việt Nam đã xác định được rõ ràng mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, nông sản để vươn ra thế giới cần đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính. Chính vì vậy, Việt Nam cũng đang thắt chặt các quy định liên quan đến chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một hướng đi đúng nhằm thúc đẩy giá trị xuất khẩu cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Gunther Beger - Giám đốc điều hành Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhận định, trước những cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt hiện nay cho thấy rằng chúng ta cần phải tìm ra những cách thức mới trong sản xuất lương thực thực phẩm.

Đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong phát triển nền công nghiệp thực phẩm, ông Christian Hoffer, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ nhận định: Việt Nam lại là vùng sản xuất cà phê trọng điểm trên thế giới. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ là đầu vào cho ngành sản xuất cà phê của chúng tôi, nhất là cà phê nhân. Việt Nam có tiềm năng lớn về nền công nghiệp thực phẩm, đó sẽ là nguồn tri thức quý giá để chia sẻ kinh nghiệm tới các bên tham gia hội nghị lần này, các đối tác trong Mạng lưới Một hành tinh, cũng như các quốc gia, tổ chức trên toàn cầu.

"Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng, chúng ta đều nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam, sự thay đổi ngoạn mục từ một quốc gia nhập khẩu trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới với hàng loạt mặt hàng nông sản dẫn đầu về xuất khẩu như gạo, cà phê..." - ông Gunther Beger, Giám đốc điều hành Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan