CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Phương tiện thủy hoạt động trên tuyến vận tải thuỷ Việt Nam - Campuchia khi vào, rời cảng biển sẽ nộp phí, lệ phí theo mức quy định mới, thấp hơn 10-11 lần so với giai đoạn trước đó, do bãi bỏ phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy...
Tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia tăng trưởng mạnh sau 10 năm mở tuyến.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, từ ngày 12/10, phương tiện thủy hoạt động trên tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia khi vào, rời cảng biển thực hiện nộp phí, lệ phí theo mức phí trọng tải, lệ phí ra/vào đối với cảng, bến thủy nội địa.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 248/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa, mức thu mới đối với phương tiện thủy vận tải tuyến Việt Nam-Campuchia, phí trọng tải toàn phần/lượt vào, ra, kể cả có tải, không tải là 165 đồng/tấn.
Các mức lệ phí ra, vào cảng, bến tối thiểu là 5.000, tối đa là 50.000 đồng/chuyến đối với phương tiện căn cứ theo loại trọng tải toàn phần, số ghế chở khách.
Hoạt động trên tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia khi vào, rời cảng biển thực hiện nộp phí, lệ phí theo mức phí trọng tải, lệ phí ra/vào đối với cảng, bến thủy nội địa.
Mức phí mới này thấp hơn 10 đến 11 lần so với mức thu trong thời gian từ 1/3/2020 đến 11/10/2021, do phương tiện thủy không còn phải nộp phí theo mức phí hàng hải khi vào, rời cảng biển. Quy định bỏ thu phí cảng biển đã gỡ khó, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp vận tải thủy.
Trước đó, thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy, bình quân mỗi năm có hàng trăm nghìn container hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… thông qua cảng biển nội địa đi các nước Đông Nam Á, riêng tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 150.000 container.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu bằng đường thuỷ nội địa này là bất hợp lý. Bởi hàng quá cảnh, chuyển khẩu chỉ luân chuyển trong khu vực nội bộ cảng và chuyển đi bằng đường thủy, không sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Giai đoạn trước đây, từ ngày 1/3/2020-11/10/2021, phương tiện vận tải thủy tuyến Việt Nam-Campuchia khi vào, rời cảng biển phải nộp phí, lệ phí hàng hải và nộp bằng tiền ngoại tệ (đồng USD), khi quy ra tiền Việt Nam cao gấp 10 đến 11 lần. Điều này xuất phát từ việc quy định không rõ ràng, dẫn đến các đơn vị thu phí hiểu, áp dụng theo mức phí, lệ phí hàng hải.
Tuyến vận tải đường thuỷ Việt Nam-Campuchia được mở theo Hiệp định vận tải đường thủy giữa Việt Nam và Campuchia được ký kết năm 2009, có hiệu lực từ ngày 20/1/2011 và Phụ lục sửa đổi Hiệp định ngày 26/2/2019, nhằm thúc đẩy giao thương bằng đường thủy giữa hai nước.
Sau hơn 10 năm triển khai Hiệp định, tuyến vận tải này đã trở thành những tuyến giao thương huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Theo thống kê, có gần 80.000 lượt phương tiện, với hơn chục triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách lưu thông qua. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 670 triệu USD.
Không chỉ góp phần gia tăng sự kết nối giao thương, khơi thông vận tải tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến vận tải đường thuỷ Việt Nam-Campuchia còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối, gom hàng cho các tàu đến cảng biển TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải với đà tăng trưởng từ 15-20% hàng năm.
Năm 2020 đã có gần 5 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển trên tuyến Việt Nam-Campuchia, đạt mức gần 300.000 TEU. Chỉ tính riêng hàng container quá cảnh năm 2020 đã thu về cho đất nước khoảng 100 triệu USD và 15 triệu USD phí bốc, dỡ. 8 tháng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid, nhưng sản lượng hàng container trên tuyến vẫn đạt hơn 200.000 TEU.
THEO VNECONOMY