CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tối 6/10, Sở Công Thương Hà Nội đã khai mạc Lễ hội trái cây thành phố Hà Nội năm 2022, quy tụ gần 100 gian hàng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố với các sản phẩm trái cây, nông sản có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, đảm bảo chất lượng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Nhu cầu cao cả về “chất” và lượng
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, TP Hà Nội có dân số trên 10,7 triệu người sinh sống, học tập, làm việc nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn là rất lớn, trong đó sản phẩm trái cây là một trong những sản phẩm được nhiều người dân mua sắm và tiêu dùng hàng ngày.
Quản lý và phát triển hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm (Ảnh: Int)
Khảo sát cho thấy, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng trái cây trên địa bàn TP Hà Nội vào khoảng 52.000 tấn/tháng, nhưng nguồn cung trên địa bàn mới chỉ đáp ứng khoảng 35%.
Để ổn định thị trường, đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về tiêu thụ tại hệ thống phân phối trên địa bàn, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố.
“Với mục tiêu người dân được tiêu dùng các sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời đẩy mạnh quản lý, từng bước đưa hoạt động kinh doanh trái cây theo hướng văn minh, hiện đại, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản an toàn về tiêu thụ tại hệ thống phân phối của Hà Nội. Kết quả, các doanh nghiệp Hà Nội đã kết nối tiêu thụ trên 250.000 tấn hàng hóa, trong đó có khoảng 100.000 tấn trái cây”, bà Lan cho biết.
Hệ thống phân phối mặt hàng trái cây trên địa bàn hiện cũng rất đa dạng với 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 453 chợ với khoảng 4.050 hộ có kinh doanh trái cây, 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố, khu dân cư.
Với mục tiêu quản lý và phát triển hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội” (giai đoạn 2017-2019) và Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” nhân rộng trên toàn địa bàn TP.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Đến nay, theo Đề án thí điểm, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan cấp biển nhận diện cho 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại 12 quận nội thành đáp ứng yêu cầu của Đề án.
Tiếp đó, triển khai Đề án tăng cường, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc các cửa hàng duy trì, hoàn thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện, trên toàn địa bàn TP có 58% cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh; 84% cửa hàng đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; 53,2% cơ sở có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng 65 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè...
Mục tiêu của Đề án là TP quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã; phấn đấu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện để cấp biển nhận diện an toàn. Đồng thời, xóa bỏ điểm kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.
Đáng chú ý, TP sẽ công khai danh sách các cửa hàng vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, hướng tới tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, không mua trái cây của các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp và chủ cửa hàng, Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn giai đoạn 2020-2025” không chỉ giúp người tiêu dùng Thủ đô yên tâm mua trái cây rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm, mà còn giúp hệ thống cửa hàng đạt doanh thu tăng cao hơn so với thời điểm chưa được gắn biển…
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây; thí điểm theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm trái cây và quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các chợ đầu mối; phát triển chợ thương mại điện tử sản phẩm trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô. Về lâu dài, Hà Nội tiếp tục xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ trái cây an toàn kết hợp khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu trái cây an toàn Thủ đô.
Theo báo cáo kết quả triển khai Đề án tổng hợp từ các sở, ngành, địa phương gửi UBND TP mới đây, trong số 1.652 cửa hàng được thống kê, có 597 cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây; 1.145 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp, trong đó có trái cây. Toàn TP có 785 doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh trái cây, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Thực hiện Đề án, thời gian qua, các sở, ngành của Hà Nội đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 1.402/1.652 cửa hàng, đạt tỷ lệ gần 85% tổng số cơ sở kinh doanh trái cây, tăng mạnh so với trước khi thực hiện Đề án vào tháng 6/2020 (khoảng 70%).
Trong tổng số 1.652 cửa hàng, có 1.045 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 816 cửa hàng có thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 1.222 cơ sở có quầy, kệ trưng bày trái cây; 1.066 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây và 1.115 cơ sở có thiết bị vệ sinh.
Đức Nguyễn