CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại tọa đàm “Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp” diễn ra ngày 23/7/2024, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam hơn 700 mã số vùng trồng sầu riêng và cấp mã số cho gần 200 cơ sở đóng gói trái sầu riêng. Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000 ha trên tổng số 150.000 ha.
PHÁT TRIỂN Ồ ẠT, CHẠY THEO SỐ LƯỢNGĐánh giá về thực trạng sản xuất và xuất khẩu sầu riêng, ông Hiếu cho rằng còn đứt đoạn, rời rạc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. Trong khi đó, mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000ha, nhưng đến thời điểm này đã cao gấp đôi so với quy hoạch.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị phía Trung Quốc mở rộng các vùng trồng được cấp mã số, tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao. Còn đối với các nguy cơ, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có những cảnh báo trong thời gian vừa qua", ông Hiếu thông tin.
Theo ông Hiếu, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.
"Tôi cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương", ông Hiếu nhấn mạnh.
Việt Nam đã hoàn tất đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. Chúng ta đã đưa vào trong nội dung đàm phán những điều khoản khá phù hợp, khả thi. Trong đó tính đến các yếu tố áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong công nghệ chế biến. Chúng tôi đã gửi cho phía bên Trung Quốc xem xét các nội dung này.
Tôi kỳ vọng các điều khoản này sẽ sớm được thông qua trong năm 2024, lúc đó xuất khẩu sản phẩm sầu riêng có nhiều cơ hội tăng lên. Khi sầu riêng đông lạnh được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sẽ giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản. Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Các nhà vườn sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang nước ngoài.
Tham gia tọa đàm từ đầu cầu trực tuyến, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023 và dự báo cả năm 2024 có thể đạt trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Việt Nam chưa xuất khẩu được sầu riêng đông lạnh thì mục tiêu này sẽ khó đạt được.
Ông Nguyên thông tin thêm, hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Đáng ngại hơn, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu.
"Hiệp hội không có phương tiện để kiểm tra, bởi vậy chỉ có thể khuyến cáo các hội viên, đăng thông tin của cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên biết, từ đó tuân thủ các biện pháp, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật", ông Nguyên chia sẻ.
Hiện nay, nhiều nước đã trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, vì vậy, ông Nguyên khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm để có được thị trường lâu dài. Quản lý chất lượng phải có tiêu chuẩn cụ thể, sầu riêng cũng vậy, phải nhanh chóng xây dựng áp dụng cụ thể đối với từng loại sầu riêng, hàng sầu riêng đông lạnh ra sao, hàng sầu riêng tươi như nào, hàng sầu riêng sấy sẽ như thế nào?.
Ví dụ, Thái Lan đã có những tiêu chuẩn riêng, họ tổ chức kiểm tra chất lượng trước khi cho thương lái thu mua, quy định vùng này đến ngày nào mới đạt chất lượng, mới được phép thu mua.
CẦN ĐÀO TẠO NÔNG DÂN TRỒNG SẦU RIÊNGBàn về giải pháp, ông Nguyễn Thế Tùng, chủ Trang trại sầu riêng Queenfarm (Bình Phước) chia sẻ, đầu tiên bà con cần phải quan tâm đến giống và chúng ta cần có những văn bản cụ thể cho người làm giống.
"Tôi đánh giá việc nguồn gốc giống rất là quan trọng. Hiện nay có giống sầu riêng của Malaysia yêu cầu về kỹ thuật cao hơn. Việt Nam trồng được loại giống này cũng cần phải đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Sau đó, đến với người trồng, người trồng cần tuân thủ trên mã số vùng trồng và những quy định Cục Bảo vệ thực vật đưa ra”, ông Tùng khuyến cáo.
Bà Phan Thị Mến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech, kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật thiết lập một đường dây nóng để doanh nghiệp có thể phản ánh kịp thời khi phát hiện dấu hiệu gian lận mã số. Đồng thời, cần tăng cường công tác tập huấn/hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp, có thể phối hợp, xã hội hóa các doanh nghiệp tư vấn độc lập như Sutech để thực hiện công tác đó.
“Bản thân Sutech cũng đang triển khai đến từng doanh nghiệp theo chương trình kết hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam, chúng tôi cũng đã làm rất nhiều hội nghị tư vấn quy định thị trường xuất khẩu như Cần Thơ chúng tôi làm về sầu riêng, Bình Thuận chúng tôi làm về thanh long, Hà Tĩnh chúng tôi làm về thủy sản”, bà Mến chia sẻ.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam), cho rằng nếu như chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng trái sầu riêng mà không quan tâm đến người sản xuất trái sầu riêng thì chắc chúng ta sẽ không có được trái sầu riêng đáp ứng yêu cầu. Công tác đào tạo, tập huấn để chuyên nghiệp trong sản xuất trái sầu riêng vô cùng quan trọng.
- Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.
"Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 534/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”. Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Bộ triển khai Quyết định số 534/QĐ-TTg. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan như: Nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về SPS; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, cập nhật các quy định SPS, các quy định pháp luật có liên quan; Nâng cao kiến thức chuyên môn và năng lực thực thi SPS cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, kiểm dịch và các đối tượng liên quan”.