CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thị trường Việt Nam đóng góp tới 40% tổng doanh thu của Tập đoàn Siam Cement (SCG Group) tại các nước ASEAN (trừ Thái Lan).
Việc sở hữu Công ty Bao bì Biên Hòa giúp SCG Group củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực công nghiệp. Ảnh: A.H
Thâu tóm tiếp Bao Bì Biên Hòa
TCG Solutions thuộc quản lý của Thai Containers Group, công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan), vừa đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu (94,1% vốn điều lệ) của Công ty Bao bì Biên Hòa (SVI) nhằm mục đích đầu tư. Trước đó, các nguồn tin cho biết, SCG Group sẽ chi 19,2 triệu USD (khoảng 450 tỷ đồng) để “ẵm trọn” SVI.
Hồi tháng 4/2020, Hội đồng Quản trị SVI đã xin ý kiến các cổ đông về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh của Công ty, bao gồm việc bỏ ngành, nghề in ấn trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thêm diễn giải chi tiết cho ngành sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn…
Tiền thân của SVI là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1968, năm 2003 cổ phần hóa, đổi tên, nhưng vẫn duy trì thương hiệu SOVI. Kết thúc năm 2019, Công ty đạt 1,704 tỷ đồng doanh thu (khoảng 73 triệu USD), giảm 4% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên 141 tỷ đồng (khoảng 6 triệu USD), gấp 2,3 lần năm trước.
Giao dịch trên dự kiến được thực hiện trong nửa cuối tháng 12/2020 và TCG Solutions chưa sở hữu cổ phiếu nào của SVI. Tuy nhiên, tại phiên họp bất thường ngày 9/12, 4 ngày trước khi TCG Solutions đăng ký mua cổ phiếu, cổ đông SVI đã thông qua việc từ nhiệm của 6/7 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023. Các nhân sự mới được bầu bổ sung đều là những lãnh đạo điều hành tại các công ty thành viên hoặc đối tác của SCG Group.
Trong đó, ông Suchai Korprasertsri, Giám đốc TCG Solutions, kiêm Giám đốc điều hành Thai Containers Group được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị SVI. Ông Ekarach Sinnarong, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Tân Á, một thành viên khác thuộc SCG Group được bổ nhiệm làm CEO.
Việc sở hữu SVI giúp SCG Group củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực công nghiệp. Trước đó, tập đoàn này từng liên doanh với Rengo (Nhật Bản) thành lập Công ty Giấy Kraft Vina - nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam. Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex cũng là thành viên của SCG Group.
SCG Group nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992. Khởi đầu, SCG Group tập trung vào mảng vật liệu xây dựng - xi măng, nhưng chủ yếu là thương mại. Tuy nhiên, càng về sau, quy mô hoạt động của tập đoàn này càng mở rộng thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành.
SCG Group quản lý 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào 3 mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement - Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).
Đẩy mạnh chiến lược kinh doanh
Tình hình kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2020 của SCG Group cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ đại dịch Covid-19 tại các nước ASEAN. Để đối phó với dịch bệnh, đặc biệt trong ngành hóa dầu, Công ty đã đẩy mạnh các chiến lược kinh doanh mới. Tính chung nửa năm 2020, doanh thu của tập đoàn này giảm 9%, đạt gần 148.700 tỷ đồng; lợi nhuận thu về giảm 13%, xuống mức 12.052 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng từ biên lợi nhuận của ngành hóa dầu giảm trong quý I.
Khối tài sản tương đương 3,8 tỷ USD tại thị trường Việt Nam của SCG Group bao gồm cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh; 100% vốn Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Việt Nam; Prime Group; Liên doanh bao bì Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái. Đáng chú ý nhất là việc nắm 100% vốn tại Dự án Hóa dầu Long Sơn với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.
Đáng chú ý, thị trường Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp Thái Lan này. Trong quý II/2020, doanh thu của SCG Group từ Việt Nam là gần 7.000 tỷ đồng, tương đương 40% doanh thu tại khối ASEAN (trừ Thái Lan), bằng 10% tổng số thu hợp nhất toàn Tập đoàn. Trong khi đó, năm 2019, doanh thu nhóm doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 30% doanh số thị trường ASEAN (trừ Thái Lan) và 8-9% doanh thu hợp nhất.
Trong 6 tháng đầu năm, SCG Group đã thu gần 13.100 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ tất cả ngành kinh doanh. Đến cuối ngày 30/6, tổng tài sản của SCG Group khoảng 530.520 tỷ đồng, trong đó tổng tài sản tại các nước ASEAN (trừ Thái Lan) là hơn 192.000 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tài sản hợp nhất.
Dựa trên báo cáo kinh doanh quý II/2020, SCG Group hiện sở hữu khối tài sản trị giá 88.860 tỷ đồng tại Việt Nam, tăng tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu từ mảng hóa dầu. SCG Group cũng đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số và logistics, nhằm giúp khách hàng theo dõi dịch vụ xe tải phân phối của SCG Logistics trên nền tảng kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ thuận tiện và nhanh hơn.
Trong khu vực ASEAN, SCG Group đang vận hành hơn 7.000 xe tải. Hơn 40 dự án trong khu vực này có tiềm năng thương mại hóa đang triển khai từ các công ty khởi nghiệp đã giúp SCG Group nhìn thấy các cơ hội kinh doanh nhằm kết nối với các mạng lưới khởi nghiệp ở Mỹ, Israel và Trung Quốc.
Có thể nói, việc thâu tóm hầu hết các công ty đầu ngành trong các lĩnh vực mà SCG Group hoạt động đã lộ rõ chiến lược kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG Group cho rằng, với sự hợp tác của tất cả các bên, Thái Lan và khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam - nơi đang thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn của SCG, sẽ cùng bước vào hành trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
NGUỒN BÁO ĐẦU TƯ