CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Số hóa đã thay đổi dịch vụ ngân hàng bán lẻ như thế nào?

Invest Global 14:52 24/12/2021

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân thúc đẩy hiệu quả hoạt động ngân hàng bán lẻ”.

SỐ HOÁ LÀ ĐỘNG LỰC

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay, các tổ chức tín dụng đã chủ động cho ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 50 triệu người (gần 50% dân số).

Trong đó, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: internet banking, mobile banking có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch. Tốc độ tăng trưởng thanh toán qua QR code lên đến 200% so với năm 2020.

Ông Hùng cho biết thêm, cùng với việc hiện đại hóa công nghệ, phát triển nhiều loại hình dịch vụ bán lẻ mới và các hình thức huy động vốn đa dạng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chú trọng mở rộng cho vay cá nhân dưới hình thức cho vay mua nhà, mua xe ô tô, du học, chứng minh tài chính...đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân với thủ tục, quy trình xét duyệt đơn giản hơn.

Nhờ vậy, dư nợ cho vay bán lẻ của các tổ chức tín dụng ngày càng cao và chiếm tỷ lệ khoảng 40%-50% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đối với ngân hàng lớn và trung bình), cá biệt có tổ chức tín dụng tỷ lệ cho vay cá nhân đã chiếm 60-80% tổng dư nợ. 

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, đến cuối năm 2021 dư nợ ước đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2020.

“Nhìn chung, phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân hiện đại trên nền tảng công nghệ số sẽ thúc đẩy thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển hiệu quả hơn, trên cơ sở đó góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế”, ông Hùng đánh giá. 

Ông Sandeep Deobhakta, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng bảo hiểm Manulife China Bank cho rằng, để chiến thẳng trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ, công nghệ số sẽ là yếu tố then chốt.

Cụ thể, công nghệ kỹ thuật số thúc đẩy ba yếu tố tăng trưởng quan trọng đối với các ngân hàng cá nhân: (i) công nghệ kỹ thuật số cho phép đưa ra các đề xuất hấp dẫn cho khách hàng; (ii) cho phép sử dụng dữ liệu và phân tích để tạo ra sự tương tác mạnh mẽ với khách hàng; (iii) cho phép các ngân hàng quản lý rủi ro tốt hơn các đối thủ cạnh tranh - rủi ro tín dụng, rủi ro gian lận, rủi ro hoạt động, rủi ro tuân thủ và rủi ro thanh khoản.

“Tự động hóa và dịch vụ cá nhân số có những lợi ích đáng kể trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ”, ông Sandeep Deobhakta nói. 

NĂM VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

Hiện tại, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.  Đây sẽ là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng cá nhân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, bên cạnh việc nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh, mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số thì các ngân hàng tại Việt Nam cũng cần lưu ý nhiều vấn đề liên quan đến dịch vụ bán lẻ.

Thứ nhất, tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng hiện đại vẫn còn ở mức khiêm tốn, do mức thu nhập của phần lớn dân cư còn thấp, thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn. Vì vậy, khả năng phát triển và mở rộng dịch vụ ngân hàng bán lẻ còn hạn chế.

Thứ hai, kênh phân phối chưa thực sự đa dạng, phương thức giao dịch và cung cấp các dịch vụ chủ yếu vẫn là giao dịch trực tiếp tại quầy, các hình thức giao dịch từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tuy đã phát triển nhưng chưa phổ biến.

Thứ ba, thông tin dữ liệu về khách hàng cá nhân còn thiếu; cơ chế phối hợp, hợp tác, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp… chưa có quy định rõ ràng, nên các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thông tin khách hàng để phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân.

Thứ tư, môi trường pháp lý về hoạt động ngân hàng chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, trong khi với tốc độ phát triển dịch vụ như hiện nay, nhiều quy định pháp lý về ngân hàng, nhất là hoạt động ngân hàng điện tử đã tỏ ra bất cập và không bao hàm hết các nghiệp vụ, gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại khi muốn triển khai dịch vụ mới, đặc biệt là các hoạt động ngân hàng điện tử.

Thứ năm, mở rộng hệ sinh thái số sẽ mang lại lợi ích tối ưu cho khách hàng, tuy nhiên, hiện nay hạ tầng thanh toán còn chưa thống nhất để tích hợp, kết nối, nhiều hệ sinh thái chưa có sự liên thông.

Riêng về sản phẩm mới Mobile Money, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, các cơ quan chức năng và ngân hàng đừng nghe tên thấy "kêu" mà vội vã triển khai trong khi chưa đánh giá hết rủi ro, cần xây dựng hành lang pháp lý cụ thể.

“Vấn đề an toàn, bảo mật, ngoài ứng dụng công nghệ thì ý thức người dân rất quan trọng. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc tội phạm đột nhập hệ thống ngân hàng đánh cắp tiền. Ở Mỹ, người dân được giáo dục tài chính từ rất sớm, nắm cơ bản các dịch vụ tài chính ngân hàng nên người dân thường xuyên theo dõi tài khoản cá nhân, thông tin mật khẩu nhằm bảo vệ tài sản của mình”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu cũng kiến nghị áp dụng việc chấm điểm tín dụng (credit scoring) cá nhân bởi đây là vấn đề cơ bản. Những người có điểm tín dụng thấp sẽ không thể vay tiền, hoặc sẽ phải vay với lãi suất cao. Từ đó buộc họ phải "tự kỷ luật" để cải tiến điểm tín dụng của mình.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan