CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (VNUA), đã phân tích những ảnh hưởng tới các bên trong trường hợp Trung Quốc gia nhập CPTPP.
Giải mã ý định của Trung Quốc khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP
- Theo quan điểm của anh, tại sao Trung Quốc lại chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào lúc này? Nó có liên quan gì tới AUKUS không?
TS Phạm Sỹ Thành: Trên thực tế, có thể coi việc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một quyết định đã được chuẩn bị của phía Trung Quốc thay vì một phản ứng tức thì nhằm đối phó với sáng kiến nâng cấp quan hệ ba bên Australia – Anh – Mỹ (AUKUS) dù cả hai tuyên bố chính thức đều được đưa ra cùng ngày (theo giờ khu vực Đông Nam Á).
Tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Trung Quốc công khai xác nhận sự quan tâm đối với CPTPP khi trả lời phỏng vấn rằng "Trung Quốc có thái độ tích cực và cởi mở đối với việc tham gia CPTPP".
Vào ngày 19/11/2020, chỉ một tuần sau khi đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra bình luận rằng với việc Mỹ sắp chuyển sang chính quyền mới thì Trung Quốc cho rằng đây là "thời điểm chiến lược" đúng đắn để tích cực xem xét việc tham gia CPTPP.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (VNUA).
Nó cho thấy, một trong những tính toán ban đầu của việc tham gia CPTPP là để tìm cách "làm ấm quan hệ với Mỹ", tránh tư duy "trò chơi có tổng bằng 0" bằng cách biến một hiệp định từ chỗ được coi là "chống lại Trung Quốc" thành một hiệp định có thương mại tự do thực sự.
Sau đó không lâu, tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đăng bài phân tích có nhan đề "Sự quan tâm của Trung Quốc đối với tư cách thành viên CPTPP được coi là cơ hội để xoa dịu căng thẳng Trung – Mỹ". Do đó CPTPP ban đầu có thể coi là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa hơn nữa chính sách FTA của Trung Quốc cũng như tìm kiếm các lợi ích về an ninh phi truyền thống.
Cách đây bốn ngày (13/9), trong chuyến thăm làm việc của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phía Singapore đã hoan nghênh việc Trung Quốc quan tâm đến CPTPP. Nó cho thấy Trung Quốc đã bắn tín hiệu với nước Chủ tịch CPTPP năm sau về ý định này. Dẫu sao, việc công bố chính thức thông tin này cùng ngày với AUKUS cũng thể hiện các thông điệp chính trị nhằm phá vây của Trung Quốc trước các động thái thắt chặt quan hệ an ninh truyền thống giữa Mỹ và các đồng minh.
- Mối quan hệ căng thẳng với Australia hay những mâu thuẫn với các quốc gia thành viên khác của CPTPP có thể cản trở tiến trình gia nhập của Trung Quốc hay không? Nói cách khác, liệu Trung Quốc có đối mặt với trở ngại gì trong quá trình gia nhập CPTPP hay không?
Trong quy chế xem xét các quốc gia bên ngoài gia nhập, có một yêu cầu về việc quốc gia đó sẽ phải tham vấn song phương nếu một trong bảy nước thành viên "toàn phần" (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam) không đồng ý. Trong 7 nước này thì Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada có quan hệ mật thiết với Mỹ. Australia có thể là một ẩn số đối với Trung Quốc do quan hệ căng thẳng giữa hai bên và việc Australia vừa cùng Mỹ và Anh nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng và công nghiệp thông qua sáng kiến AUKUS.
Bên cạnh đó, một rào cản nữa đối với Trung Quốc là Canada và Mexico khi hai quốc gia này có thể cũng bị Mỹ gây sức ép trong việc từ chối sự tham gia của Trung Quốc dựa trên những điều khoản mà một hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới (mang tên USMCA) vừa được ký lại năm 2018. HIệp định này quy định không một nước thành viên nào của USMCA được ký kết thương mại với các nền kinh tế "phi thị trường" – trong khi Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự thừa nhận tư cách này từ cả phía Mỹ và châu Âu.
Các nước CPTPP được gì với sự tham gia của Trung Quốc?
- Theo đánh giá của anh, sự góp mặt của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ mang lại lợi ích gì cho 11 nước thành viên hiện có của CPTPP cũng như giá trị của hiệp định?
11 thành viên CPTPP đại diện cho khoảng 13,4% GDP và 15% giá trị thương mại toàn cầu, khiến nó trở thành một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Nếu Trung Quốc tham gia, về mặt lý thuyết đây sẽ là FTA có quy mô gần 31% GDP và 35% thương mại toàn cầu. Điều này có thể giúp tăng trưởng GDP, xuất khẩu và thu nhập của các quốc gia CPTPP tăng lên.
Báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) tính toán rằng, sự gia nhập của Trung Quốc sẽ giúp thương mại của các bên tham gia tăng thêm 55% trong 10 năm tới.
Nhưng trên thực tế, lợi ích từ Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên của CPTPP có thể không rõ ràng như thế.
Đầu tiên, chúng ta nhận thấy rằng mô hình CPTPP hiện nay đang cân bằng hơn dù quốc gia nhập khẩu chủ lực của hệ thống này là Mỹ đã rời khỏi hiệp định. Nhưng sự tham gia của một nước chuyên tâm xuất khẩu như Trung Quốc có thể sẽ làm CPTPP trở nên mất cân bằng khi các nước đều tìm cách tăng xuất khẩu sang thị trường của nhau – mà lợi thế rất lớn thuộc về Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động chuỗi cung ứng khu vực sẽ khó tái cấu trúc hơn khi các doanh nghiệp có thể tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Thứ ba, có thể trì hoãn thực thi thậm chí dẫn đến thương lượng để sửa đổi hoặc loại bỏ các nghĩa vụ quan trọng của phần thể chế trong số 20 nghĩa vụ đang tạm hoãn lại. Điều này, với những nước như Việt Nam, sẽ làm giảm đáng kể động lực cải cách đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như không khuyến khích việc tăng tính minh bạch và bảo vệ môi trường một cách mạnh mẽ hơn.
Bức tranh về thương mại tự do được tăng cường trở nên phức tạp và kém thực tế đi khi các tiêu chuẩn minh bạch để thực hiện hiệp ước thương mại tự do và các yếu tố an ninh chiến lược đối với Ấn Độ dương-Thái Bình dương được xem xét. Một số điểm về minh bạch và cởi mở với đầu tư này đã được chấp nhận trong Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc vừa được ký kết cuối năm ngoái. Tuy nhiên, các cam kết CAI của Trung Quốc không phù hợp với các tiêu chuẩn cao trong CPTTP.
Thứ tư, 9/11 nước thành viên CPTPP (ngoại trừ Canada và Mexico) đều đã có các FTA song phương và khu vực với Trung Quốc, 7/9 nước này (ngoại trừ Chile và Peru) đều là thành viên RCEP, 4/7 nước này (ngoại trừ Nhật Bản, Australia và New Zealand) đều đã có FTA khu vực với Trung Quốc thông qua ASEAN. Rõ ràng, các hấp dẫn về thuế quan đã không còn nhiều, ngay cả lợi thế của việc xuất xứ hàng hóa được cộng gộp cũng đã được giải quyết qua RCEP. Vì thế, CPTPP có thêm Trung Quốc cũng sẽ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng và mục đích chính trị hơn là lợi ích kinh tế có thể hy vọng.
Dự báo phản ứng của Mỹ sau động thái của Trung Quốc
- Thực tế, CPTPP mới chỉ treo 20 điều khoản liên quan tới Mỹ. Về lý thuyết, Washington có thể trở lại bất cứ lúc nào. Theo anh, động thái của Trung Quốc liệu có khiến nước Mỹ tính toán kỹ hơn với việc trở lại CPTPP?
Cách đây vài ngày, một nhóm các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ đã cảnh báo về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng con đường thương mại, đầu tư thông qua cửa ngõ CPTPP. Cựu Đại diện thương mại Mỹ Charlene Barshefsky, hai cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là Winston Lord và Evan Medeiros cùng với một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã có một cuộc thảo luận trực tuyến về sách trắng mới nhất của họ mang tên "Hướng đi mới của Trung Quốc: Thách thức và cơ hội cho chính sách của Hoa Kỳ".
Họ khuyến nghị rằng chính phủ Mỹ nên tham gia đàm phán với các thành viên CPTPP để ngăn Trung Quốc giành ảnh hưởng đối với các quy tắc thương mại toàn cầu. Nhưng ở thời điểm hiện nay, quay trở lại CPTPP không phải là ưu tiên chính sách của cả chính quyền đương nhiệm lẫn đảng Dân chủ của Mỹ.
Nếu Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP, nước này cũng sẽ nắm quyền đàm phán nếu Mỹ cố gắng tái gia nhập khối này dưới thời tổng thống mới.
Kịch bản có thể xảy ra nhiều nhất là Mỹ tìm cách thúc giục các nước thành viên ngăn cản không cho Trung Quốc gia nhập (bằng việc không để Trung Quốc kiếm đủ sự đồng ý của bảy nước "sáng lập đầy đủ" để trình đơn gia nhập lên quốc gia chủ tịch luân phiên của CPTPP). Trong trường hợp Mỹ muốn kích hoạt 20 nghĩa vụ của CPTPP thì họ phải quay trở lại thật nhanh với việc xin gia nhập. Nhưng điều này có xác suất tương đối thấp.
- Anh nghĩ sao nếu CPTPP có sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc?
Đó sẽ là vấn đề mang tính thời điểm. Như phân tích ở trên, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP trước, cánh cửa để Mỹ quay trở CPTPP sẽ khó khăn hơn nhưng cũng có nhiều thú vị. Một CPTPP mở rộng, với việc Mỹ tái gia nhập và Trung Quốc mới gia nhập, cùng với các nước tham gia đầy mong muốn khác từ RCEP (như Hàn Quốc, Thái Lan hay vùng lãnh thổ Đài Loan) có thể dẫn đến sự ra đời của một Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình dương (FTAAP) như mong muốn của các nhà lãnh đạo APEC vào năm 2004. Nó cần được hoan nghênh như một khối thương mại mới, khổng lồ, hướng tới mục tiêu đa phương hóa so với nguyên tắc tối huệ quốc đang bị đình trệ của WTO.
THEO TRI THỨC TRẺ