CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation,cho biết, xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ trong 2019, cao hơn 1,5 lần so với năm trước.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Triển vọng của kinh tế Việt Nam có thể coi là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Việt Nam cũng đã và đang có nhiều nỗ lực để vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực khi có xu hướng tái chuyển dịch dòng vốn toàn cầu.
Lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư khẳng định khẳng định: “Đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tiếp tục chỉ đạo xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước...”.
Trong phiên thứ nhất thảo luận với sự điều phối của ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker & McKenzie, các diễn giả đã mang lại góc nhìn tổng quan thị trường M&A Việt Nam, đánh giá hoạt động M&A Việt Nam trong năm qua, đặc biệt là “khẩu vị” của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Các diễn giả trong phiên 1: Sự trổi dậy trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: Lê Toàn/VIR
Trước đây, xét theo thứ hạng các quốc gia xếp theo giá trị giao dịch, do quy mô doanh nghiệp nhỏ, Việt Nam chưa bao giờ nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu, nhưng vào năm 2019, giá trị giao dịch ở Việt Nam đã đạt đến 389 triệu USD, gấp 2,8 lần so với năm 2017, lần đầu tiên được xếp hạng trong Top 3, với sự chênh lệch rất nhỏ so với nước đứng ở vị trí thứ 2 là Indonesia (giá trị 415 triệu USD).
Xu hướng gần nhất là trong 10 tháng đầu năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore. Mặc dù sụt giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng nếu xét tổng số lượng giao dịch ra nước ngoài của Nhật giảm 33% trong giai đoạn này, mức giảm 25% của Việt Nam không chỉ thấp hơn mức trung bình nói trên, mà còn thấp hơn hầu hết các quốc gia khác, ngoại trừ Thái Lan và Malaysia, những nước có số lượng giao dịch ít hơn nhiều so với Việt Nam.
Xét về giá trị giao dịch, Việt Nam đứng thứ 2 với giá trị 282 triệu USD. Việt Nam thậm chí còn chiếm vị trí cao hơn so với năm 2019 trong bảng xếp hạng giá trị giao dịch.
Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam cho biết: Xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ trong 2019, cao hơn 1,5 lần so với năm trước, minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của các công ty Nhật Bản đối với Việt Nam.
Sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch, việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian. Tổng quan về thị trường M&A từ quan điểm của các công ty Nhật Bản đối với các giao dịch nội địa cho thấy, số lượng giao dịch M&A giữa các công ty Nhật bản liên tục tăng đều đặn trong 5 năm qua. Năm 2019, tất cả các hạng mục đều ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử.
Năm 2020, thị trường M&A nội địa Nhật Bản giảm 4% so với cùng kỳ do đại dịch COVID-19, nhưng thị trường nội địa Nhật Bản đã thực sự chạm đáy vào tháng 5 và các tháng sau đó đang phục hồi tương tự các năm trước. Hoạt động M&A ra nước ngoài giảm 33% so với cùng kỳ và đang phục hồi chậm rãi, chủ yếu do hạn chế nhập cảnh ở hầu hết các quốc gia.
Xu hướng M&A công ty Nhật vào Việt Nam sẽ sôi động. Bởi các công ty cần thị trường mới để mở rộng, hầu hết các lĩnh vực ở Nhật Bản đã phát triển chạm trần, gần 1/3 dân số tuổi trên 65 tuổi, khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi, hơn người Việt Nam gần 20 tuổi, dân số giảm khoảng 276.000 mỗi năm.
Một nguyên nhân nữa là chiến lược tăng trưởng M&A được hỗ trợ bởi nguồn tiền dồi dào ở Nhật Bản tích lũy trong 20 năm qua, hơn 2.345 tỷ USD, tồn tại tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0% và dưới sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông khiến năm 2019 đạt kỷ lục với hơn 4.000 thương vụ trong tất cả các loại hình M&A, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam khẳng định.
Theo quan điểm của người Nhật, các công ty Nhật Bản hiện có rất ít việc làm ở một thị trường như Thái Lan, với khoảng 5.500 công ty Nhật Bản ở nước này và quá muộn để nhập cuộc. Về Myanmar, chỉ có chưa đến 400 công ty Nhật Bản và các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn phải chờ xem xét thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản, sẽ tiếp tục thu hút bằng 6 yếu tố. Như đã biết, Thủ tướng mới của Nhật Bản, theo đúng chính sách người tiền nhiệm, khi chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến thăm đầu tiên bên ngoài Nhật Bản.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia hấp dẫn số 1 để gia nhập hoặc mở rộng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Có nhiều lý do giải thích. Lý do lớn nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế số 1 Đông Nam Á của Việt Nam. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện là nước duy nhất có mức tăng trưởng dương cho đến nay cũng như dự báo cho năm 2020, trong khi các nước Đông Nam Á khác có mức tăng trưởng âm. Ngoài ra, rào cản về cách ly và hạn chế đại dịch khi vào Việt Nam được dỡ bỏ, một làn sóng lớn các công ty Nhật Bản chờ đợi để tiến hành các thủ tục đầu tư sẽ xuất hiện.
NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ