CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải mới đây, UBND TPHCM đã chính thức đề xuất thêm hai phương án hướng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM (nằm ngoài hướng tuyến theo quy hoạch).
Cụ thể, TP. HCM nêu 3 phương án hướng tuyến, mỗi phương án đều có ưu nhược điểm; song quan điểm là phương án nào tối ưu nhằm giảm chi phí đầu tư, bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, thì ưu tiên xem xét.
Về phương án 1 cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch của dự án. Hướng tuyến này có chiều dài 17,35km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 154,49ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.791 tỷ đồng. Hiện trạng, khoảng 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu. Ưu điểm là diện tích cần giải phóng mặt bằng ít nhất nhưng số hộ di dời lại nhiều nên chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất so với các phương án khác.
Phương án 2, sở kiến nghị nắn chỉnh đoạn đầu dài 9,7km về phía Nam từ 0-160m nhằm tránh đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành hiện hữu. Đoạn kế tiếp dài 3,7km nắn về phía Nam từ 0-120m, tránh đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo hiện hữu. Đoạn còn lại dài gần 3,9km trùng tim quy hoạch. Chiều dài tuyến là 17,29km, diện tích cần giải phóng mặt bằng 154,05ha.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.803 tỷ đồng. Ưu điểm là hướng tuyến cơ bản tránh các đường hiện hữu, số hộ di dời ít, chi phí giải phóng mặt bằng giảm và không ảnh hưởng đến kết nối giao thông khu vực.
Phương án 3, nắn chỉnh đoạn dài 14,1km về phía Nam từ 0-1.300m, tránh các tuyến đường hiện hữu. Đoạn 2,5km còn lại trùng tim quy hoạch. Với phương án này, chiều dài tuyến là 16,75km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 150ha. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.631 tỷ đồng.
Ưu điểm, hướng tuyến tránh xa các đường giao thông hiện hữu, số hộ di dời ít nhất, chi phi giải phóng mặt bằng thấp nhất và thuận tiện kết nối vào 2 tuyến cao tốc (cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Bến Lức - Long Thành).
Trong các phương án được đưa ra, TP. HCM đánh giá phương án 3 là khả thi nhất. Bởi lẽ, phương án này nắn chỉnh một đoạn dài 14,7km về phía Nam 1.300m tránh đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch.
Ngoài 3 phương án về hướng tuyến nói trên, sở cũng kiến nghị TP. HCM đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai nối TP. HCM - Long An (thuộc thẩm quyền triển khai của tỉnh Long An) để dự án được đồng bộ.
Sơ đồ tuyến vành đai 4 TPHCM.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi tiết tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28-9-2011. Dự án có tổng chiều dài 197,6km đi qua địa bàn các địa phương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM và Long An.
Đường Vành đai 4 qua địa phận TP. HCM đi qua 2 huyện Củ Chi và Nhà Bè. Dự án có điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP. HCM).
Dự kiến, dự án khởi công trong năm 2024 và hoàn thành trước năm 2028.