CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Vấn đề của Việt Nam hiện nay trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài là thực hiện chống dịch hiệu quả, giữ chân được các nhà đầu tư hiện có, thu hút được nhà đầu tư mới…
Việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 50, về hình thành các hệ thống khu công nghiệp mới, các mô hình mới theo dạng mô hình “may đo”. Nghĩa là áp dụng từng mô hình phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.
CẦN XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG HIỆN ĐẠI
Tại toạ đàm “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức ngày 20/9, ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư theo Nghị quyết số 50 (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, phát triển các mô hình khu công nghiệp mới, ưu tiên các dự án dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, ít sử dụng đất.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Vấn đề của Việt Nam là từ chính sách đến thực tiễn còn khoảng cách rất xa, cũng như thiếu việc “tích hợp” giữa các luật với nhau".
Trong những năm qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%.
Hoạt động của các khu công nghiệp rất sôi động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 75%. Thời gian tới, theo quy hoạch, sẽ có thêm nhiều diện tích đất để “chào đón” các dự án đầu tư mới.
Nguồn vốn FDI “chảy” vào Việt Nam ngày càng tăng, chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI là các quốc gia trong khu vực cũng đang nỗ lực thu hút nguồn vốn này. Hơn nữa, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới hoạt động kinh tế của Việt Nam, trong đó, có hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Có tới 16% doanh nghiệp khối này chuyển đơn hàng sang các nước khác. Đồng thời có khoảng 18% doanh nghiệp FDI cân nhắc chuyển đơn hàng.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thực tế cho thấy không thể giãn cách xã hội cũng như thực hiện phương thức “sản xuất 3 tại chỗ” kéo dài quá lâu. Việc này sẽ góp phần làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn hàng hoá… Từ đó tác động lan toả tới toàn bộ nền kinh tế, nguy cơ giảm tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam cần thực hiện phòng chống dịch hiệu quả để quay lại trạng thái “bình thường mới”, thu hút các nhà đầu tư FDI mới… Nhanh chóng giúp các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh là việc làm cấp thiết.
Thời gian tới, để thu hút các dòng vốn FDI hơn nữa, Việt Nam phải nỗ lực giảm thiểu các hạn chế đang tồn tại ở các khu công nghiệp.
Cụ thể, tránh phát triển các khu công nghiệp chỉ với mục tiêu là khai thác tiềm năng, nguồn lực đất đai. Hiện nay, các mô hình phát triển khu công nghiệp đang theo phương thức đa lĩnh vực, chưa chuyên sâu, khả năng cạnh tranh sản xuất trong công nghiệp chế biến, chế tạo kém. Chất lượng, hiệu quả rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, các quốc gia ASEAN hay Ấn Độ đã tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rất tốt khi họ cải thiện cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu đa dạng để cạnh tranh thu hút dòng FDI rời khỏi Trung Quốc.
"Phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn “đất sạch” để chào đón các dự án đầu tư mới. Vì thực tế, nhiều nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp được giao đất quy mô lớn, nhưng chỉ giải phóng mặt bằng một phần, còn lại là vẫn chờ có nhà đầu tư mới giải phóng tiếp… Do đó, cần tăng cường năng lực thực tiễn của các khu công nghiệp hiện có, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, hiện đại hơn để cạnh tranh với các khu công nghiệp của các quốc gia trong khu vực ASEAN", ông Thắng nói.
Nhiều khi có những dự án đầu tư mới có quy mô 200-300 triệu USD muốn vào, nhưng lại không có “đất sạch” sẵn sàng cho họ xây dựng nhà máy, muốn có thì phải chờ rất lâu, nên bỏ phí cơ hội.
Một vấn đề quan trọng nữa, đó là từ chính sách đến thực tiễn còn khoảng cách rất xa, cũng như thiếu việc “tích hợp” giữa các luật với nhau. Đây là câu chuyện được bàn tới quá nhiều nhưng vẫn chưa biến chuyển, đã hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển của đất nước.
Chính sách phải gắn với quy hoạch, quy hoạch thể hiện chính sách, đừng ra một chính sách mà 3-4 năm sau không thể triển khai được, hoặc ảnh hưởng đến các quy định hiện có.
ĐA PHƯƠNG HOÁ, ĐA DẠNG HOÁ THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ
Theo ông Thắng, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 50 về hình thành các hệ thống khu công nghiệp mới, các mô hình mới theo dạng mô hình “may đo”. Nghĩa là áp dụng từng mô hình phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch đối với mô hình khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái… lại chưa xác định được phát triển bao nhiêu khu công nghiệp kiểu mới này là đủ, phát triển ở địa phương nào… để tập hợp các nguồn lực tốt cho phát triển.
Vướng mắc nữa của Việt Nam là ở cạnh các nước lớn, trong khi nền kinh tế còn yếu, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu có ảnh hưởng nhất định, có tính cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút các dòng vốn dịch chuyển này.
Vì vậy, Việt Nam phải đa phương hoá, đa dạng hoá như thế nào trong thời gian tới để đảm bảo sự cân bằng của các nhà đầu tư ở Việt Nam, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhưng phải giữ vững được an ninh quốc phòng. Chứ đừng vì mục tiêu phát triển khu công nghiệp mà phải cạnh tranh bằng mọi giá thu hút vốn nước ngoài.
Cuối cùng, đó là vấn đề lao động. Đây là một trong 3 yếu tố, gồm: đất đai, lao động và công nghệ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư trong khu công nghiệp.
Khi dịch Covid-19 xảy ra đã có những yếu tố bất ngờ không xử lý hết, các doanh nghiệp không thể giữ chân người lao động khi họ phải trở về bản quán vì quá khó khăn, cho thấy công tác chăm lo đời sống công nhân tại khu công nghiệp còn quá bất cập. Từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiệm vụ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi sản xuất, để sử dụng kinh nghiệm của lực lượng lao động này, rút ngắn khoảng cách về tay nghề và tăng hiệu quả sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thỉ rà soát toàn bộ những quy định hiện hành liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, nhằm tạo một “luồng gió mới” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, chú trọng phương thức đa phương hoá, đa dạng hoá.
Định hướng phát triển trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, nâng lên mức cân bằng, có thảo luận của hai bên. Xây dựng hình thành các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp phụ trợ, khu nông nghiệp công nghệ cao…
Tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, như: Intel, Samsung, LG... Hiện công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cần hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, kết nối vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài.
THEO VNECONOMY