CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo báo cáo kinh tế số của Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2019 kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Nắm bắt xu thế này, một số nước nhận ra cơ hội đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và Việt Nam không là ngoại lệ.
Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google - Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015 và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.
Hợp đồng điện tử đang dần phổ biến và tiết kiệm chi phíSố liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính trong năm 2021, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số công nghệ thông tin và viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.
Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương cho biết, trong những năm qua, đặc biệt thời gian dịch Covid-19 bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng 16-17%/năm. Các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và các website bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp, người kinh doanh.
Trong đó, hợp đồng là thành phần cơ bản trong các giao dịch thương mại. Hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong nước, quốc tế nói chung.
Việc ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ giúp các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích, tiết kiệm chi phí. Bởi so với chi phí hiện nay, một hợp đồng truyền thống sẽ mất các chi phí như giấy tờ, in ấn, chi phí chuyển phát hợp đồng hoặc đi lại. Trong khi đó, mỗi hợp đồng, giao kết điện tử khi sử dụng sẽ tiết kiệm được từ 30 - 80 nghìn đồng và với số lượng hợp đồng đang giao dịch hàng năm hiện nay thì chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp và cá nhân là rất lớn. Nếu so với quy trình hợp đồng giấy hiện tại, phải đợi giám đốc doanh nghiệp (lãnh đạo) có mặt tại văn phòng để ký, thì việc sử dụng hợp đồng điện tử sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian hình thành hợp đồng. Lãnh đạo đơn vị có thể thực hiện phê duyệt, ký kết hợp đồng mọi lúc, mọi nơi, giúp nâng cao cả hiệu suất công việc rất nhiều, ông Đặng Hoàng Hải cho biết thêm.
Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, các bên thứ 3 như ngân hàng, các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có thể căn cứ trên hợp đồng điện tử với xác thực của các đơn vị được Bộ Công thương cấp phép, hoặc thông qua Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia (CeCA.gov.vn) của Bộ Công thương để xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng. Điều này tiết kiệm nhiều thời gian xác minh và đảm bảo hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống. Trong khi việc lưu trữ hợp đồng dưới dạng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu, tìm kiếm một cách dễ dàng mà vẫn đảm bảo được sự an toàn, bảo mật của nội dung hợp đồng.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển, các giao dịch thương mại truyền thống ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Điều này đã thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử hiện đạt 50%.
Nhằm đảm bảo an toàn các giao dịch, giao kết hợp đồng cho các chủ thể trên môi trường thương mại điện tử, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP, gần đây nhất là Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử, chính thức tạo hành lang pháp lý cần thiết để cấp phép cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Bộ cũng nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2022/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 85/2021/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định về Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Song song với đó, Bộ cũng đã phát triển hệ thống CeCA.gov.vn là nơi cung cấp thông tin xác thực hợp đồng toàn quốc cho các bên thứ 3, đồng thời là nền tảng hỗ trợ, kết nối các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ dấu thời gian, chữ ký số, định danh và xác thực đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy định về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử.
Ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Thường trực Công ty cổ phần MISA cho biết, MISA đã triển khai giải pháp ký hợp đồng điện tử AMIS WeSign giúp giảm 90% thời gian và 80% chi phí so với ký giấy. Hiện tại Việt Nam đang có hơn 800 nghìn doanh nghiệp và giả sử 1 doanh nghiệp phải thực hiện 1.000 hợp đồng/năm. Nếu áp dụng giải pháp ký hợp đồng điện tử sẽ tiết kiệm cho quốc gia khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Quả là một con số không nhỏ!
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đang dần được hoàn thiện. Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có chương trình/kế hoạch chuyển đổi số. Nhận thức về chuyển đổi số đã, đang được nâng cao và phổ biến một cách rõ rệt trong tất cả các cơ quan, chính quyền các cấp, cũng như hầu hết các thành phần của nền kinh tế. Các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng đang hình thành và phát triển nhanh chóng như: Dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu tài chính, dữ liệu đất đai, dữ liệu về bảo hiểm…