CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện đang trở thành một trong những điểm đến an toàn hàng đầu cho các công ty nước ngoài để tái cấu trúc các ngành sản xuất của họ, nhất là khi mà chúng ta đã nhận được vô số những lời ca ngợi từ giới truyền thông quốc tế nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ làm nên thành công trong cuộc chiến đấu với COVID-19. Ngăn chặn thành công dịch COVID-19 đã khẳng định khả năng của Việt Nam để đảm bảo môi trường ổn định, an toàn. Điều này sẽ có thể được coi là một yếu tố mới để các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá rủi ro kinh doanh.
Miền đất hứa cho các nhà đầu tư nước ngoài sau dịch
Thời báo The Straits Times đã trích dẫn một số quan điểm của các nhà kinh tế, trong đó họ có nói rằng cách mà các quốc gia đối phó với đại dịch COVID-19 là một yếu tố quan trọng để đánh giá rủi ro có thể xảy ra trong kinh doanh trong thời điểm các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài lớn đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
Thời báo Singapore cũng đã trích dẫn lời của bà Kellie Meiman Hock - đối tác quản lý của công ty tư vấn toàn cầu McLarty Associates. Bà cho biết “Những công ty này chắc chắn sẽ phải đánh giá cách mà các quốc gia đang kiểm soát dịch COVID-19 trước khi họ đưa ra quyết định chuyển hướng đầu tư.
Đặc biệt, họ sẽ rất chú ý đến tính minh bạch trong phản ứng của chính phủ trong quá trình kiểm soát và xử lý dịch bệnh. Chuyên gia này cũng nói rằng sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc là một bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp. Có thể thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang dần thể hiện sự tụt dốc do bị đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là cơ hội lớn cho những quốc gia có công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch tốt, bởi đến giờ phút này, không một công ty, nhà máy hay doanh nghiệp nào muốn chịu thêm tổn thất do gián đoạn kinh doanh nữa.
Trong thời gian tới sẽ có nhiều luồng dịch chuyển từ Trung Quốc sang các khu vực năng động khác chịu ít tác động hơn từ đại dịch trong Đông Nam Á. Một chu trình tiến hoá mới giữa các nền kinh tế đang mở ra. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đang được cho là quốc gia tiềm năng để các doanh nghiệp sản xuất dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể xảy ra.
Vào thời điểm đó, các công ty nước ngoài đã bắt đầu đánh giá cách mà chính phủ các quốc gia sẽ phản ứng thế nào với cú sốc này và Việt Nam dường như là một trong những ứng cử viên có nhiều thuận lợi nhất.
Khi Vũ Hán trở thành tâm chấn của cả thế giới với tình hình bệnh dịch bùng phát và ngày càng tồi tệ vào tháng Hai, Google và Microsoft dường như đã đẩy nhanh nỗ lực dịch chuyển sản xuất điện thoại mới, máy tính cá nhân và các thiết bị điện tử khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, cụ thể là các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan, Nikkei Asian Review cho biết. Cũng theo tờ báo này, Google chuẩn bị bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất của mình - dự kiến sẽ được đặt tên là Pixel 4A - với các đối tác ở miền bắc Việt Nam, trong khi Microsoft đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất dòng Surface, bao gồm cả máy tính xách tay và máy tính để bàn, ở miền bắc Việt Nam trong quý hai năm nay.
Nikkei Asian Review cũng nhận định rằng, chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi trong chiến lược đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19, trong đó, các nước ASEAN như Việt Nam sẽ là điểm đến ưa thích. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của IMF từ năm 2020 đồng ý rằng Việt Nam sẽ là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới kết luận nền kinh tế Việt Nam đã kiên cường trước những cú sốc do bệnh dịch trong vài tháng đầu năm nay và nền kinh tế của nước này sẽ hồi phục.
Những khó khăn và thách thức sau COVID-19 là rất lớn, với cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch kết thúc.
Trong trung hạn, World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Chính phủ Việt Nam cũng sẽ giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%. Fitch Ratings cũng giữ nguyên nhận định về triển vọng của Việt Nam sẽ vẫn ở mức “ổn định” bởi họ mong đợi một sự phục hồi mạnh mẽ của quốc gia này trong năm 2021, với dự báo tăng trưởng ở mức 7,3%.
Đổi mới sáng tạo - chìa khóa để phát triển bền vững
Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với lượng nhân lực xếp thứ 2 Đông Nam Á với 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,4% tổng dân số. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD/năm, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; và 35,2% của Thái Lan. Đây có thể là một “cơ hội vàng” để đi tắt đón đầu công nghệ, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là CNTT, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu của nền kinh tế. Từ đó, giúp thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất, quản lý những tiến bộ, thành tựu khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải xác định tinh thần đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp, tạo ra động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.
PHƯƠNG NHUNG - Thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global); Giám đốc Quỹ đầu tư PE Union Pacific, London)
Nguồn: Enternews