CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được chuyển đổi hình thức đầu tư, từ BOT không có vốn nhà nước sang hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, có sự tham gia của vốn nhà nước.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã đưa vào vận hành. Ảnh: Đức Thanh
Điều chỉnh phương án
Sau gần 2 năm ngừng trệ do không thu xếp được nguồn vốn, cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn đang dồn hy vọng vào việc điều chỉnh phương án đầu tư Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tại Công văn số 1134/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 16/9/2020, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do quá trình triển khai thực hiện Dự án thành phần 2 có điều chỉnh về quy mô đầu tư phân kỳ và cơ cấu nguồn vốn, nên cần phải điều chỉnh dự án cho phù hợp với quy định hiện hành.
Theo đề xuất mới nhất, Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài tuyến 43 km với điểm đầu tại Km1+800 (cửa khẩu Hữu Nghị), điểm cuối tại Km44+749,67 (nối tiếp đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang khai thác) sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, trong giai đoạn I, Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư nền theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh rộng 22 m, nhưng chỉ có đoạn Km17+420 (giao với Quốc lộ 4B thuộc TP. Lạng Sơn) - Km44+749,67 (Chi Lăng) được ưu tiên đầu tư luôn quy mô mặt đường 4 làn xe; đoạn còn lại sẽ chỉ xây dựng mặt đường 2 làn xe. Giai đoạn II, Dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ mặt đường theo quy mô 4 làn xe toàn tuyến (có cả làn dừng khẩn cấp) khi cân đối được nguồn vốn.
Với phương án phân kỳ đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ còn khoảng 7.609 tỷ đồng, thay vì 8.790 tỷ đồng như phương án được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt năm 2018. Trong đó, 2 khoản chi phí lớn nhất là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 781 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 5.283 tỷ đồng…
Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất tại Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng mà UBND tỉnh Lạng Sơn xin Thủ tướng phê duyệt là việc Dự án sẽ chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT không có vốn nhà nước sang hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, có sự tham gia của vốn nhà nước.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, tại Dự án thành phần 2, phần vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng và vốn hợp pháp khác) chỉ chiếm khoảng 47% tổng mức đầu tư, tương đương 3.609 tỷ đồng; UBND tỉnh Lạng Sơn góp 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và khoảng 3.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án trọng điểm, cấp bách của quốc gia.
Hy vọng tái khởi động sớm
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cơ bản thu xếp xong theo cơ cấu vốn mới. Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã đồng ý về mặt chủ trương, được HĐND tỉnh Lạng Sơn cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương tham gia hỗ trợ dự án và đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án trọng điểm, cấp bách của quốc gia trị giá 3.000 tỷ đồng, UBND tỉnh Lạng Sơn xác nhận, đã được Thủ tướng Chính phủ ưu tiên cân đối vốn cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có ý kiến thẩm định và thống nhất tham gia hỗ trợ tín dụng cho Dự án vào khoảng 2.000 tỷ đồng; nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng đã huy động vốn góp 424 tỷ đồng để giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng, tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác.
Cần phải nói thêm rằng, sau gần 3 năm UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến cuối tháng 8/2020, Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng mới chỉ hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng, trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5/43,6 km (đạt 20%).
Tuy nhiên, UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư điều chỉnh, Dự án sẽ được khởi động lại chậm nhất vào quý I/2021, hoàn thành trong năm 2023 và đưa vào khai thác trong năm 2024.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Hữu Nghị, hiện đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã khai thác từ đầu năm 2016, đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) đã đưa vào vận hành từ ngày 15/1/2020, chính thức thu phí từ ngày 18/2/2020, nhưng còn 30 km nữa mới đến thành phố Lạng Sơn, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 43 km (thuộc phạm vi đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng).
“Việc bị “đứt gãy” nguyên một cung đường như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và chưa có cơ sở để kết nối và triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)”, ông Vĩnh lo ngại.
Nguồn Báo Đầu Tư