CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng của năm 2023, Quảng Ninh vượt lên dẫn đầu về vốn đầu tư thu hút được với việc cấp mới thêm 2 dự án đầu tư lớn trong tháng 10, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,09 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết: “Kết quả thu hút này vượt 211% chỉ tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh (ít nhất 1,0 tỷ USD), bằng 259,2% kế hoạch của UBND tỉnh (đạt 1,2 tỷ USD), bằng 142,4% cùng kỳ”.
Đóng góp lớn trong số vốn hơn 3 tỷ USD này là 2 dự án quy mô lớn, gồm: dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư 690 triệu USD. Hiện tại, Quảng Ninh có khoảng 548,61 ha đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng sẵn sàng cho thuê; đến năm 2025, dự kiến có 3.658 ha và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.904 ha.
Hiện các KCN như Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà... đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng, đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động, trở thành các trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo của tỉnh. Các KCN như Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đang trong giai đoạn hoàn thiện hạtầng nội khu, song hành với việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Còn với Hải Phòng, kết quả sau 10 tháng cũng đã vượt hơn 20% kế hoạch năm, hoàn thành chỉ tiêu trước 4 tháng. Trong đó, dịp cuối tháng 9 vừa qua, Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao ECOVANCE của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Trước đó, ngày 26/6, Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng đã được trao giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án tại Hải Phòng lên hơn 2,051 tỷ USD để các loại linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại...
Với 14 khu công nghiệp hiện hữu, được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.080 ha đã tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp hơn 4.000 ha, các KCN, KKT của Hải Phòng hiện đang có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%. Hiện Hải Phòng đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050. Theo quy Quy hoạch chung xây dựng, thành phố Hải Phòng quy hoạch 25 Khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng tối đa 15.777 ha (bao gồm 14 Khu công nghiệp đã được thành lập với 6.080 ha, chiếm 38,5% so với diện tích các khu công nghiệp được quy hoạch thời gian tới), đây là không gian động lực phát triển của thành phố; đang thực hiện thành lập mới Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng dự kiến khoảng 20.000 ha.
Hình thành các KCN xanh
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng: “Thành phố luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN bền vững và hiệu quả. Hiện, các KCN của Hải Phòng đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo về môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Luôn khuyến kích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái; sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường”.
Hải Phòng cũng đang định hướng các nhà đầu tư hạ tầng KCN chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Cụ thể hơn, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Thời gian qua, Thành phố đã thí điểm chuyển đổi KCN Nam Cầu Kiền và KCN Đình Vũ từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng xung quanh KCN.
Trong đó, thực hiện xây dựng, chuyển đổi Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C (DEEP C); Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và các Khu công nghiệp mới thành các khu công nghiệp sinh thái; lựa chọn xây dựng một Khu công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Như tại DEEP C, các giải pháp để xây dựng KCN sinh thái tập vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong KCN, và các giải pháp tái chế như xây dựng đường từ nhựa tái chế... nhằm đem lại lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội cho cả DEEP C và cộng đồng.
Chỉ riêng trong năm 2020, tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên áp trên mái nhà xưởng 20.000m2 tại KCN DEEP C Hải Phòng đã được đưa vào vận hành có công suất 3MWp, tiếp tục thu hút các công ty khác cho thuê lại mái nhà xưởng, dự kiến đến năm 2023 nâng công suất lắp đặt lên hơn 20MWp.
Cuối năm 2021, tua bin gió với chiều cao đến 100m và cánh quạt thiết kế dài hơn phiên bản gốc để tối ưu sức gió, cấp 2,3MW điện trực tiếp vào lưới điện nội bộ DEEP C. Doanh nghiệp có định hướng đến năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo, song song đó nghiên cứu công nghệ mới để thực hiện tham vọng tự chủ 100%.
Còn tại KCN Nam Cầu Kiền, chủ đầu tư là Công ty CP Shinec đã dành hơn 31% diện tích để trồng cây xanh. Hiện KCN này đang được các chuyên gia đánh giá là KCN đạt được nhiều tiêu chí nhất của một KCN sinh thái.
Nổi bật nhất có thể thấy tại KCN này là liên kết bền chặt các doanh nghiệp trong ngành – liên ngành trở thành những khách hàng – nhà cung cấp tiềm năng của nhau, hình thành các chuỗi tuần hoàn kép và lợi ích kép.
Đại diện Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ Hải Phòng, nhà đầu tư thứ cấp trong KCN Nam Cầu Kiền, chuyên tái chế sản phẩm phụ ngành luyện kim, năng lượng chia sẻ: “Doanh nghiệp của chúng tôi là một mắt xích trong chuỗi cộng sinh công nghiệp của ngành thép trong Nam Cầu Kiền. Chất thải của các công ty thép là đầu vào nguyên liệu sản xuất của công ty. Một dòng sản phẩm đầu ra của chúng tôi, quay trở lại phục vụ cho chính các doanh nghiệp thép này. Như vậy, các công ty thép vừa tiết kiệm được chí phí xử lý rác thải công nghiệp nặng, vừa giảm chi phí sản xuất do nhập được nguyên liệu với giá thành thấp nhờ tiết kiệm được cho phí vận chuyển”. Được biết, KCN Nam Cầu Kiền đã chuẩn bị sẵn về hạ tầng và các điều kiện để có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon từ năm 2025.
Tham gia vào xu hướng này, KCN Nam Đình Vũ của Tập đoàn Sao Đỏ đang triển khai hợp tác nhiều với các đối tác ngoại để phát triển hệ thống điện năng lượng mặt, để cung cấp cho KCN. Mới đây, ngày 9/11, tập đoàn này đã ký hợp tác với CMS Solar để đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái để góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, và đóng góp vào việc giảm phát thải carbon. Theo ước tính, tổng công suất điện mặt trời có thể lắp đặt tại KCN Nam Đình Vũ lên đến hơn 1GWp.
Quảng Ninh thì định hướng chỉ thu hút các dự án FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, ô tô, năng lượng sạch… sử dụng ít tài nguyên đất đai, nước, sử dụng ít lao động.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata, gần đây, Quảng Ninh thu hút được rất nhiều các dự án mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhưng các dự án trong lĩnh vực này lại có nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Do đó, cần phải có cơ chế khuyến khích và cho phép các nhà đầu tư hạ tầng đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo để phục vụ cho các dự án trong khu.
Nhằm đánh giá thực trạng, nhận diện tiềm năng - cơ hội, kết nối đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu kinh tế trong bối cảnh mới và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững các Khu công nghiệp - Khu kinh tế tại Việt Nam, được sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023, với chủ đề: "Hướng tới tăng trưởng xanh". Thời gian: Thứ Năm, ngày 16/11/2023 tại TP.HCM.