CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng: Việt Nam nên làm gì để tạo sự khác biệt?
TS. Cấn Văn Lực nhận định, đại dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng diễn ra nhanh hơn. Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội, nhưng việc có tận dụng được cơ hội hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chủ động, quyết liệt, tập trung vào những gì nhà đầu tư mong muốn "chính đáng".
Các nước khác đang làm gì để thu hút sự dịch chuyển vốn đầu tư?
Qua nghiên cứu các công bố chính sách thu hút FDI gần đây của 1 số nước trong khu vực; có thể thấy Chính phủ các nước đang chủ yếu dùng 5 công cụ: (i) thuế (như Indonesia có kế hoạch giảm thuế TNDN từ 25% về mức 22% năm nay, sau đó xuống 20% vào năm 2022, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó; Malaysia, trong gói kích thích kinh tế được công bố vào ngày 5/6, đã có kế hoạch miễn thuế 15 năm cho các nhà sản xuất mới đầu tư trên 117 triệu USD vào nước này; Ấn Độ miễn thuế từ 4-10 năm cho các dự án đầu tư trong 1 số lĩnh vực ưu tiên; Thái Lan và Indonesia đưa ra ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư và lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm…v.v.);
(ii) đất đai (Indonesia cam kết dành 400 hecta cho các nhà đầu tư và dự kiến thành lập 19 khu công nghiệp từ nay đến năm 2024; Ấn Độ cam kết dành ra quỹ đất rộng 461,6 hecta nhằm thu hút doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư và đã chọn ra 10 ngành chủ chốt để tập trung thúc đẩy sản xuất và chỉ thị đại sứ quán Ấn Độ ở các nước tiếp cận những công ty đang tìm nơi đầu tư, lập cơ sở sản xuất…); (iii) cam kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh (như Indonesia, Việt Nam); (iv) cung cấp gói hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề (Thái Lan); và (v) có biện pháp tăng rào cản nhằm ngăn chặn tình trạng thâu tóm trong 1 số lĩnh vực (Mỹ, Nhật, EU, Anh, Úc…).
Nhà đầu tư muốn gì?
Nhà đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng mong muốn nhiều; tuy nhiên, qua kết quả khảo sát của báo cáo môi trường kinh doanh 2020 (WB), báo cáo đầu tư tư nhân (Grant Thornton 2019), đa số đều mong muốn 6 yếu tố quan trọng sau: (i) Ổn định chính trị, môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô; (ii) Cơ chế, chính sách và thông tin (về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô...) cần đảm bảo tính nhất quán, ít thay đổi, có thể dự báo được và minh bạch; (iii) Thủ tục hành chính đơn giản, gọn, ra quyết định nhanh chóng; từ đó có thể giảm chi phí không chính thức và chi phí cơ hội (mất cơ hội kinh doanh nếu hoàn tất thủ tục quá lâu); (iv) Cơ sở hạ tầng đồng bộ (khu công nghiệp, điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, logistics...); (v) Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, quản lý cấp trung và nhân lực có tay nghề; (vi) Công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ trong nước phát triển hơn. Trong khi đó, yếu tố về chi phí nhân công, ưu đãi thuế cũng là những vấn đề quan trọng nhưng thứ tự ưu tiên thấp hơn.
Việt Nam nên làm gì?
Trong cuộc đua thu hút dòng vốn dịch chuyển này, để có thể thành công, rõ ràng là Việt Nam cần tạo ra sự khác biệt.
Một là, tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đây cũng là một lợi thế không phải nhiều nước có được. Đồng thời, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép "phòng chống dịch hiệu quả và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội một cách nhanh nhất có thể", phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 ở mức 3-4% và kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Hai là, sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư; trong đó, cần công bố rõ lĩnh vực ưu tiên và kể cả địa phương ưu tiên (gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương). Đồng thời, cần có biện pháp phù hợp ngăn ngừa hình thức thâu tóm không lành mạnh, đầu tư chui hay núp bóng (gắn với yêu cầu an ninh, quốc phòng và bất động sản nhà ở….) trong bối cảnh hiện nay. Biện pháp này cần gắn chặt với các hoạt động M & A trên thị trường chứng khoán; trong đó, vấn đề quan trọng là tìm lời giải bài toán tối ưu – không thái quá, vẫn thu hút được đầu tư, song vẫn đảm bảo ngăn ngừa được các ành vi không lành mạnh, đòi hỏi năng lực và trách nhiệm của đội ngũ công vụ.
Ba là, đánh giá, rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN) để có điều chỉnh linh hoạt về KCN cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, KCN cần thu hẹp, thu hồi; thiết lập và sẵn sàng công bố danh sách các KCN sẵn sàng về quỹ đất sạch, kết cấu hạ tầng…v.v.
Bốn là, rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp phân cấp phê duyệt đầu tư nước ngoài, tinh gọn qui trình, thủ tục gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất; công bố quy trình cấp phép một cách công khai, minh bạch.
Năm là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ số (đây cũng là lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm).
Sáu là, cần sớm thiết kế chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng quản lý (với nguồn tài trợ theo một tỷ lệ nhất định từ cả Trung Ương và địa phương). Đây cũng là một phần quan trọng của bài toán cần giải quyết nhằm thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/6/2020.
Bảy là, cần duy trì ổn định môi trường vĩ mô và luôn đảm bảo tính nhất quán, tính ổn định và tính phù hợp của các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô... để các nhà đầu tư đầu tư nước ngoài yên tâm, có thể xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Cùng với đó, cần có chiến lược dài hạn về cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh; đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch; thủ tục hành chính cần phải được tiếp tục đơn giản hóa, thuận tiện, nhanh chóng; trong đó, tâm lý thờ ơ, vô cảm, sợ trách nhiệm phải được loại bỏ...v.v.
Tám là, thúc đẩy phát triển nhanh hơn công nghiệp hỗ trợ, tăng cường năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của khối doanh nghiệp trong nước, vừa để tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị, vừa để phục vụ, kết nối doanh nghiệp FDI.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (KCN, điện, nước, hạ tầng giao thông, thông tin, logistics, dịch vụ đi kèm KCN...), tiếp tục coi đây là đột phá chiến lược. Theo Khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, cơ sở hạ tầng của Việt Nam xếp thứ 77/141 nước được đánh giá, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Malaysia thứ 35, Trung Quốc 36, Ấn Độ 70, Thái Lan 71, Indonesia 71...).
Lời kết: đại dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh dòng vốn FDI dự báo giảm khoảng 40% năm 2020 (theo UNCTAD), các nước trong khu vực, nhất là ASEAN đang có cuộc đua thu hút FDI. Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội, nhưng việc có tận dụng được cơ hội hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chủ động, quyết liệt, tập trung vào những gì nhà đầu tư mong muốn "chính đáng"; trong đó, thể chế (và thực thi), nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng vẫn là yếu tố then chốt, chứ không chỉ có chính sách ưu đãi và mời chào suông.
Theo Trí thức trẻ