CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chính sách tài chính thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Invest Global 08:50 26/06/2020
Chính sách tài chính thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
 
 
 
 

 
 
In bài
 
 
 
 
 
 

Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam (FDI) sẽ tiếp tục xu hướng thu hút có chọn lọc nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tăng tính lan tỏa giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước, hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường, giảm việc sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên và năng lượng, thâm dụng lao động và ít tạo ra giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp… Bên cạnh đó, yêu cầu đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách cũng đòi hỏi phải rà soát lại toàn bộ các chính sách tài chính, tronag đó có các ưu đãi về thuế, phí, đất đai trong thu hút đầu tư. Vì vậy, bài viết đưa ra những đánh giá tổng quan về chính sách tài chính thu hút vốn FDI, đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính phù hợp với định hướng thu hút vốn FDI trong thời gian tới.

Chính sách tài chính thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Giai đoạn trước khi có Luật Đầu tư 2005, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Đối tượng được ưu đãi đầu tư là các dự án được xác định theo hai tiêu chí chủ yếu là lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư. Ngoài ra có thêm một số tiêu chí khác như định hướng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, công nghệ tiên tiến… Các biện pháp ưu đãi chủ yếu là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong toàn thời gian hoặc một thời gian nhất định; ưu đãi thuế nhập khẩu đối với máy móc và tiền thuê đất.

 Trung ương, thẩm quyền quyết định các chính sách ưu đãi đầu tư thuộc về Chính phủ. Sau khi Luật Đầu tư 2005 được ban hành, nhiều tiêu chí để xác định đối tượng được ưu đãi thuế cũng được điều chỉnh, bãi bỏ. Đối tượng ưu đãi thuế dựa trên hai tiêu chí chính là ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo lĩnh vực, không còn tình trạng các địa phương ưu đãi đầu tư tràn lan bằng biện pháp ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, các địa phương vẫn có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi đầu tư (cụ thể hóa chính sách của trung ương) và thường sẽ áp dụng các biện pháp như hỗ trợ chi phí, hạ tầng, thủ tục hành chính…

Hiện tại, các chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút vốn FDI tập trung: (i) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); (ii) Ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu; (iii) Ưu đãi về tài chính đất đai.

Đối với ưu đãi thuế TNDN: Để phục vụ các chiến lược và định hướng chuyển đổi nền kinh tế, hệ thống chính sách về thuế tiếp tục được cải cách lần thứ tư với thay đổi quan trọng nhất là giảm thuế suất thuế phổ thông. Cụ thể, mức thuế suất phổ thông qua các lần sửa Luật Thuế TNDN theo xu hướng giảm, từ 28% trong giai đoạn 2001 - 2008 xuống còn 25% trong giai đoạn 2009 - 2013, 22% trong giai đoạn 2014 - 2015 và 20% từ ngày 01/01/2016. Bên cạnh việc giảm thuế suất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013 đã bổ sung ưu đãi đối với đầu tư trong khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi) và dự án đầu tư mở rộng; quy định ưu đãi thuế TNDN ở mức cao đối với một số lĩnh vực mũi nhọn cần khuyến khích đầu tư đã góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tích lũy. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 đã bổ sung một số lĩnh vực, ngành nghề thuộc diện ưu đãi thuế như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy sản (không áp dụng ưu đãi đối với lĩnh vực chế biến lâm sản); sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất có quy mô vốn lớn và công nghệ cao.

Theo quy định hiện hành, mức thuế suất ưu đãi cao nhất là 10% trong thời hạn 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới trong một số lĩnh vực đặc thù, khuyến khích phát triển như công nghệ thông tin, phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; lĩnh vực bảo vệ môi trường; lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI, còn được hưởng các ưu đãi khác như: (i) Được chuyển lỗ sang năm sau, trừ vào thu nhập tính thuế, thời gian không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ; (ii) Cho phép thực hiện khấu hao nhanh; (iii) Ưu đãi giảm thuế TNDN trong một số lĩnh vực đặc thù để giải quyết các vấn đề xã hội.

Đối với ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu: Trước năm 2016, các chính sách ưu đãi được thực hiện theo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2005. Việc miễn thuế nhập khẩu tiếp tục được duy trì đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu; máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư; miễn thuế đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo… Từ năm 2016 đến nay, chính sách ưu đãi được áp dụng theo Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016. Theo đó, Luật đã bổ sung doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học - công nghệ, tổ chức khoa học - công nghệ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất; bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo. Một số ưu đãi thuế xuất khẩu, nhập khẩu đang được áp dụng như: (i) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài thì được miễn thuế xuất khẩu; (ii) Hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 275 ngày kể từ ngày mở tờ khai hải quan; hàng hóa tạm nhập tái xuất có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 15 ngày kể từ ngày hết hạn; (iii) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đối với các ưu đãi về đất đai: Trước ngày 30/6/2014, các ưu đãi về đất đai được chia theo hai hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất, áp dụng giảm số tiền phải nộp ở các mức 20%, 30%, 50% hoặc miễn giảm về thời hạn 7 năm, 11 năm, 15 năm. Từ đầu tháng 7/2014 đến nay, các ưu đãi về đất đai thực hiện theo Luật Đất đai 2013 và các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, Nhà nước đã thống nhất áp dụng hình thức cho thuê đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh, có tính thời hạn và theo từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời để thu hút đầu tư, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính đất đai tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao với mức ưu đãi cao hơn các dự án đầu tư thông thường.

Ngoài ra Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ về đất đai đối với doanh nghiệp như: (i) Giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn 2011 - 2014; (ii) Điều chỉnh giảm tỷ lệ tính đơn giá thuê đất chung từ 1,5% (quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP) xuống còn 1% (quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP) và ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ trong khung từ 0,5 - 3% theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất để áp dụng thu tiền thuê đất tại địa phương; (iii) Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất trong việc xác định giá đất để tính thu tiền thuê đất.

Giải pháp hoàn thiện chính sách tài chính thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian tới

Theo quy định pháp luật thuế hiện hành, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được đối xử như nhau cả về điều kiện cũng như mức độ ưu đãi thuế. Đối tượng ưu đãi thuế dựa trên hai tiêu chí chính: Ưu đãi theo địa bàn và theo lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư bao gồm: Hoạt động công nghệ cao; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm tạo ra tối thiểu 30% giá trị gia tăng; sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử, sản phẩm cơ khí, máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô, đóng tàu, trồng trọt, chế biến sản phẩm nông nghiệp... Đầu tư tại địa bàn trong danh mục các địa bàn khuyến khích đầu tư bao gồm địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khu công nghiệp; khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Việc giảm thuế suất thuế TNDN và đa dạng hóa các hình thức ưu đãi thuế đã góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong 10 năm gần đây, tổng số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đều trên 10 tỷ USD/năm. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được vốn đầu tư từ 130 quốc gia/vùng lãnh thổ. Các dự án FDI đã hiện diện tại 63/63 địa phương, đầu tư vào 19/21 ngành nghề sản xuất - kinh doanh của Việt Nam. Việc miễn, giảm thuế đã thúc đẩy gia tăng doanh thu xuất khẩu qua các năm, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực FDI. Ngoài ra, các ưu đãi tài chính hiện hành cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nghị quyết số 50-NQ/TW yêu cầu nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… Vì vậy trong giai đoạn tới, một số giải pháp cần được tập trung thực hiện nhằm hoàn thiện chính sách tài chính thu hút vốn FDI như sau:

(1) Rà soát tổng thể các chính sách tài chính, đặc biệt là chính sách thuế thu hút vốn FDI đang được áp dụng, để có những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng chương trình tổng thể để rà soát, đánh giá lại tất cả các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI hiện hành trên cả hai phương diện lợi ích và chi phí, qua đó hạn chế tối đa sự “dư thừa chính sách” gây lãng phí nguồn lực NSNN.

(2) Rà soát tổng thể danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư gắn với việc đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi về đầu tư nói chung và chính sách tài chính nói riêng trên các phương diện quy mô vốn đầu tư, quy mô vốn thực hiện, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đầu tư, số việc làm tạo ra, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa… trong mối tương quan với chi phí thuế (giảm thu NSNN).

(3) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống chuyển giá và hiện tượng “vốn mỏng”, trong đó đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng luật về chuyển giá; quy định cụ thể tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu làm cơ sở tính chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế; tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế về thuế, nhất là trong việc chia sẻ các thông tin về chính sách ưu đãi thuế và về các hiệp định thuế.

(4) Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh như: Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra chuyên ngành…; cải thiện về cơ sở hạ tầng (giao thông, thông tin); nâng cao chất lượng lao động.

Minh Hương - CSTC

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan