CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bắc Giang phối hợp với các bộ ngành xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực

Invest Global 16:22 12/11/2021

Hiện nay, cam, bưởi và một số nông sản của tỉnh Bắc Giang bắt đầu cho thu hoạch. Đặc biệt những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh có nhiều loại nông sản cung cấp ra thị trường...

Ngày 11/11, UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến “Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh”...

Điểm cầu chính đặt tại huyện Lục Ngạn và trên 100 điểm cầu tại các huyện, thành phố trong tỉnh; các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kênh phân phối, thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ nông sản các tỉnh, thành phố.

Nhấn mạnh về tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh có nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều. Tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà.

Hiện nay, cam, bưởi và một số nông sản của tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Đặc biệt những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có nhiều loại nông sản cung cấp ra thị trường.

Như cam các loại khoảng 48 nghìn tấn, bưởi 37 nghìn tấn, 4 nghìn tấn na được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc; 17 nghìn tấn thịt gà; 60 nghìn tấn thịt lợn.

Bên cạnh đó, tỉnh có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn hơn 11 nghìn ha, sản lượng hơn 230 nghìn tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và đã xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Đông Âu, Nga, Nhật Bản...

Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục 52 sản phẩm nông sản có tính chất đặc trưng, chủ lực, tiềm năng của địa phương và 117 sản phẩm OCOP được thị trường trong và ngoài nước biết đến.

Để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản này, tại hội nghị ông Tuấn cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc… song ông đề nghị các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và một số quốc gia có thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Kịp thời thông tin về hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu các loại nông sản tươi, nông sản qua chế biến sang các quốc gia; chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Đồng thời hướng dẫn tỉnh Bắc Giang thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng bảo đảm các điều kiện tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu. Hướng dẫn triển khai mô hình kinh tế số trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ ngành hỗ trợ tỉnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước.

Ông Tuấn cho biết thêm hiện nay tỉnh đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, đầu tư với các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá gắn với trải nghiệm hoa trái vườn đồi.

Tuy nhiên, ông Tuấn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng phát triển du lịch Bắc Giang nói chung và du lịch trải nghiệm gắn với vùng cây ăn quả nói riêng phù hợp với chương trình du lịch quốc gia, du lịch liên vùng, liên địa phương.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ nông sản.

Đồng thời quan tâm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, các danh lam, thắng cảnh, điểm du lịch văn hóa của tỉnh với các tổ chức lữ hành uy tín nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.

Tại điểm cầu Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới còn phức tạp, do đó, Bộ Công Thương cũng như các doanh nghiệp, địa phương phải xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại.

Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp kết nối giao thương, phát triển sản phẩm, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nhằm đảm bảo việc lưu thông nông sản được thông suốt.

Để thuận lợi trong vận chuyển, ông Hải nhấn mạnh, các địa phương cần phối hợp, liên kết để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.