CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đầu tuần qua, cảnh tượng chen lấn, hỗn loạn để giành suất mua nhà ở xã hội một lần nữa tái diễn tại Đà Nẵng. Từ đêm 29/6, hàng trăm người dân đã tụ tập trước trụ sở Công ty CP Đức Mạnh trên đường Hùng Vương, tay ôm hồ sơ, trải bạt, ngồi bệt chờ đợi.
Nguyên nhân là bởi sáng hôm sau, doanh nghiệp bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội thuộc dự án An Trung 2 – một trong số ít dự án nhà ở xã hội được tung ra thị trường thời gian qua.
Xếp hàng chỉ để… “lấy số”
Đến 8h sáng 30/6, dòng người kéo dài hàng trăm mét, tạo nên cảnh chen lấn, xô đẩy trong cái nắng gắt đầu hè. Lực lượng chức năng và bảo vệ phải liên tục điều tiết để tránh hỗn loạn. Mãi đến gần 9h sáng, tình hình mới dần ổn định.
“Tôi đến từ 21h hôm trước mà đã có hàng trăm người xếp hàng. Ai cũng lo không nộp hồ sơ sớm thì không còn cơ hội”, anh Thức, một người dân phường Sơn Trà, chia sẻ. Còn anh Hiếu (phường Liên Chiểu) than thở: “Có mặt từ 7h sáng mà đợi cả tiếng vẫn chưa… lấy được số thứ tự”.
Cơn khát nhà ở xã hội vẫn chưa dứt, đòi hỏi cần có giải pháp nhanh chóng tăng nguồn cung (Ảnh minh họa: HN).
Sự kiện trên phản ánh rõ nét “cơn khát” nhà ở xã hội ngày càng trầm trọng tại các đô thị lớn, trong khi nguồn cung vẫn nhỏ giọt. Dự án An Trung 2, do liên danh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư & Xây dựng 579 làm chủ đầu tư, chỉ cung cấp 633 căn hộ, trong khi số lượng người đăng ký nộp hồ sơ đã vượt xa.
Nhà ở xã hội hiện đang là nhu cầu cấp bách, đặc biệt với người thu nhập thấp, công nhân, người lao động. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, cả nước mới chỉ đạt khoảng 90.000 căn nhà ở xã hội, trong khi mục tiêu là hoàn thành ít nhất 1 triệu căn vào năm 2030. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, cả nước mới hoàn thành được khoảng 35.000 – 36.000 căn. Một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Tại tọa đàm diễn ra mới đây, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thừa nhận dù nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung lại rất hạn chế.
Nguyên nhân trước hết đến từ việc nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội. Dù Chính phủ đã có các chỉ đạo rõ ràng – từ Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị đến Quyết định 338 của Chính phủ – yêu cầu đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc triển khai ở cấp địa phương vẫn lỏng lẻo, thiếu quyết liệt.
Ngoài ra, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội hiện vẫn gặp nhiều bất cập. Phần lớn các dự án được bố trí ở các vị trí không thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật kém, giao thông chưa kết nối đồng bộ. “Có những dự án ở những khu đất ‘đầu thừa đuôi thẹo’, khó thu hút cư dân, dẫn đến nhà xây xong cũng khó bán hoặc không người đến ở”, ông Hưng cho hay.
Cần cú hích về chính sách
Một thực tế đáng lo ngại khác là việc nhiều địa phương chưa ban hành cơ chế ưu đãi rõ ràng cho doanh nghiệp, cũng như thiếu nguồn lực trong công tác giải phóng mặt bằng. Hệ quả là việc lựa chọn chủ đầu tư thường không đảm bảo về năng lực tài chính, dẫn đến tiến độ chậm, chất lượng khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định: “Doanh nghiệp hiện nay khá thờ ơ với phân khúc nhà ở xã hội. Lý do là quỹ đất không hấp dẫn, thủ tục rườm rà, mà giá bán thì bị khống chế thấp”.
Thậm chí, theo ông Đính, làm nhà ở xã hội còn khó hơn làm nhà ở thương mại. “Đây là chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp, nhưng lại đòi hỏi doanh nghiệp tự bỏ vốn, tự xoay sở giữa muôn vàn thủ tục hành chính. Trong khi lãi suất ưu đãi không đủ hấp dẫn, việc tiếp cận vốn cũng rất khó khăn”.
Một chuyên gia bất động sản khác từng chỉ rõ thực trạng nhà ở xã hội đang chịu “thiệt đơn, thiệt kép” – vừa phải bán với giá thấp, vừa tốn thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý, lại không được ưu tiên đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Trong khi đó, kỳ vọng về việc “giải cơn khát” nhà ở xã hội vẫn chỉ dừng lại ở các văn bản định hướng, chưa thực sự chuyển hóa thành các hành động cụ thể, hiệu quả.
Giữa bối cảnh đó, người dân thu nhập thấp – đối tượng chính của chính sách nhà ở xã hội – vẫn mỏi mòn chờ đợi. Những cảnh tượng như tại dự án An Trung 2 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu.
Nếu không có những thay đổi căn cơ về chính sách, thủ tục và cơ chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là việc chủ động quy hoạch, bố trí quỹ đất thuận lợi, thì mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 e rằng vẫn sẽ là giấc mơ xa vời. Còn người dân – họ vẫn sẽ tiếp tục xếp hàng trong đêm, chỉ để mong một suất mua được mái nhà giá rẻ.
Giá nhà ở xã hội “leo thang”
Mới đây, Công ty BIC Việt Nam – chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh (tên thương mại: Rice City Long Châu) – đã công bố mức giá bán tạm tính từ 26 đến 27 triệu đồng/m². Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong phân khúc nhà ở xã hội hiện nay, gây nhiều tranh cãi trên thị trường.
Trước đó, dự án nhà ở xã hội Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng từng khiến dư luận xôn xao khi công bố giá tạm tính 25 triệu đồng/m² – mức giá bị đánh giá là “sát sàn sạt” với nhiều dự án thương mại giá rẻ trước đây.
Như vậy, chỉ trong vòng ba năm – khoảng thời gian mà các căn hộ thương mại có giá dưới 25 triệu đồng/m² gần như biến mất khỏi thị trường – thì giá nhà ở xã hội tại một số dự án lại bất ngờ tăng vọt, với mức chênh lệch lên tới 10 triệu đồng/m².
Diễn biến này đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp lý trong cơ chế xác định giá, cũng như hiệu quả thực chất của chính sách nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Hưng Nguyên