CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp

Invest Global 08:15 29/07/2021

(Xây dựng) – Thành phố Hồ Chí Minh xác định các Bệnh viện dã chiến (BVDC) phục vụ thu dung, điều trị các bệnh nhân nhiễm bệnh Covid–19 thực hiện theo lệnh khẩn cấp nên áp dụng theo quy định đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp. Quan điểm này đã nhận được đồng tình, ủng hộ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng BVDC theo quy định đối với công trình khẩn cấp.

Mới đây, tại cuộc họp đầu tiên của Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đang có 14 BVDC, với tổng quy mô khoảng 55.000 giường.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục xây dựng một số BVDC, dự kiến lần lượt hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 8 và tháng 9, nâng tổng quy mô của các BVDC lên đến 87.000 – 90.000 giường.

Ông Lê Hòa Bình cho biết thêm: Hầu hết các BVDC chủ yếu chuyển đổi công năng từ các cơ sở y tế tuyến huyện, các cơ sở giáo dục đào tạo, khu tái định cư… Đặc biệt, Thành phố xây dựng mới hoàn toàn 2 BVDC, quy mô hơn 6.000 giường tại Quận 7 và huyện Bình Chánh. Nguồn vốn xây dựng BVDC được lấy từ nguồn vốn xã hội hoá.

Về quy trình đầu tư xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh xác định BVDC là công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp nên đầu tư xây dựng theo quy định đối với công trình khẩn cấp. Về thiết kế xây dựng BVDC, Thành phố thực hiện theo Hướng dẫn xây dựng BVDC điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây bệnh do Bộ Xây dựng ban hành.

Nhờ có sẵn các quy định, hướng dẫn nói trên nên việc xây dựng các BVDC tại Thành phố rất khẩn trương, nhanh chóng. Thời gian cải tạo, chuyển đổi công năng các công trình khác thành BVDC chỉ từ 10 – 15 ngày, thời gian xây dựng mới BVDC chưa đến 2 tháng…

Bình Dương khẩn trương xây dựng BVDC với quy mô lớn.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đầu tư xây dựng các BVDC và đặc biệt ủng hộ việc Thành phố Hồ Chí Minh xác định BVDC là công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp, tuân theo các quy định đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng…

Thứ trưởng trích dẫn: Khoản 3 Điều 58 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định “Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp; quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng; quyết định về việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu của lệnh xây dựng công trình khẩn cấp”.

Người quyết định đầu tư căn cứ mức độ khẩn cấp của công trình để quyết định trình tự thực hiện toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình và được thể hiện trong quyết định đầu tư dự án.

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 58 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP, sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, người được giao xây dựng công trình khẩn cấp có trách nhiệm tổ chức lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định.

Thứ trưởng cũng lưu ý, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp thực hiện theo Điều 42 Luật Đầu tư công 2019. Theo đó, người quyết định đầu tư tổ chức lập báo cáo đề xuất dự án, thẩm định dự án và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật Đầu tư công 2019...

BVDC không nhất thiết phải là công trình xây mới mà chú trọng cải tạo, chuyển đổi các công trình hiện có thành BDVC. Trong ảnh, Bình Dương trưng dụng nhà xưởng, cải tạo, chuyển đổi thành BVDC.

Từ thực tế nói trên, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nói riêng, các địa phương khác trong cả nước nói chung học tập kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng BVDC theo các quy định về đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm: Việc xây dựng BVDC không nhất thiết phải là công trình xây mới mà chú trọng cải tạo, chuyển đổi các công trình hiện có thành BDVC. Sau khi kết thúc hoạt động của BVDC sẽ tháo dỡ cơ sở vật chất và các hệ thống kỹ thuật đã lắp đặt, cải tạo lại để hoàn trả công trình đảm bảo phục vụ tốt mục đích ban đầu. Các cơ sở vật chất của BVDC sau khi tháo dỡ được tái sử dụng cho các mục đích khác, các cơ sở y tế khác hoặc có thể lưu kho. Hơn nữa, đây cũng là mô hình được các địa phương quan tâm và áp dụng nhiều trong thực tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh cho biết, thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng hướng dẫn thiết kế chuyển đổi các cơ sở vật chất hiện có như ký túc xá, nhà tái định cư… thành các BVDC và bổ sung vào Hướng dẫn xây dựng BVDC điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây bệnh.

Trước đó, ngày 01/3/2021, tại Quyết định số 212/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng BVDC điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch”.

Hướng dẫn xây dựng BVDC gồm hai phần, trong đó, phần I, áp dụng khi tận dụng, cải tạo các công trình có sẵn; phần II, áp dụng khi xây mới trên nền đất trống.

Ở phần I, tài liệu tập trung hướng dẫn tận dụng tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật có sẵn, bao gồm cả các không gian lớn như nhà thể thao, nhà triển lãm, sân vận động… để xây dựng BVDC. Hướng dẫn đề cập đầy đủ quy trình thiết kế, thi công, lắp đặt trang thiết bị công trình, trang thiết bị y tế nhanh nhất, hiệu quả nhất...

Ở phần II, áp dụng khi xây mới BVDC trên nền đất trống, Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể các nội dung như lựa chọn địa điểm, tổ chức tổng mặt bằng, bố trí các dây chuyền công năng, tính toán diện tích sàn sử dụng, cơ cấu diện tích các khu vực chức năng…

Bài: Bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Ý kiến chuyên gia