CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Liên quan đến giá kit-test xét nghiệm tăng thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã họp với các bộ liên quan và gần 100 doanh nghiệp để bàn biện pháp tránh việc găm hàng, nâng giá. Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện công khai giá; cơ sở không niêm yết giá bán, doanh nghiệp không cung cấp kit-test xét nghiệm và xử lý theo quy định.
Chiều 3/3, tại cuộc họp báo Chính phủ, có ý kiến hỏi đại diện Bộ Y tế về nhu cầu kit-test xét nghiệm tăng mạnh dẫn đến khan hiếm hàng, nâng giá, hàng không rõ nguồn gốc, đại diện Bộ Y tế đã trả lời về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tốc độ lây lan của chủng Omicron gấp 5 lần chủng cũ; thái độ chủ quan của một bộ phận người dân… là nguyên nhân tăng cao các ca F0 thời gian qua.
“Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định chủng Omicron đang lây lan rất nhanh, chưa từng thấy. Năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể chấm dứt. Nhưng chúng ta cũng không quá lo lắng. Việt Nam là một nước được đánh giá là top 10 thế giới, đứng top 5 ở Châu Á, top 2 Đông Nam Á về tốc độ bao phủ vắc-xin”- ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Chính phủ đã đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bằng Nghị quyết 128/NQ-CP. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan báo chí, các địa phương tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp ngăn "loạn" giá kit-test xét nghiệm.Các địa phương căn cứ vào đó để đánh giá cấp độ dịch để tổ chức các hoạt động mở trường học hay du lịch; nâng cao ý thức cho người dân, tham gia tích cực vào công tác tiêm chủng, tuân thủ hướng dẫn về dùng thuốc điều trị của Bộ Y tế.
Đối với kit-test xét nghiệm, cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đã chủ động họp với các bộ, ngành có liên quan: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư bàn về việc này.
Liên Bộ đã họp với gần 100 doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép để cung cấp kit xét nghiệm; đồng thời có công văn gửi UBND tỉnh để triển khai tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tránh việc găm hàng, nâng giá và thực hiện không đúng.
Bộ cũng đã yêu cầu doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện công khai giá bán buôn, bán lẻ trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế, yêu cầu đại lý thứ cấp như nhà thuốc, hiệu thuốc, quầy thuốc… phải thực hiện niêm yết giá bán lẻ.
Những cơ sở nào không niêm yết giá bán lẻ, thì doanh nghiệp không cung cấp kit-test xét nghiệm, đồng thời chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Để tránh tăng giá, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng cần ý thức của người dân, phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ mua khi cần, không quá nôn nóng mà mua dự trữ, làm mất cân bằng cung cầu, dùng đến đâu mua đến đấy.
Bộ Y tế cũng có hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp. Trong một gia đình, có thể xét nghiệm nhanh mẫu gộp 2 người. Như chủng Omicron, 2-3 ngày mới có 1 chu kỳ lây nhiễm, như vậy khoảng 2-3 ngày xét nghiệm 1 lần, như vậy giảm được nhu cầu sử dụng.
Với ý kiến cho rằng, hiện việc cách ly F1 là 5 ngày liệu có quá dài, trong khi nhiều cơ quan không có người làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, ông cũng nhận được phản ánh về vấn đề này.
“Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng chủ trì nghiên cứu, với diễn biến tình hình như trên, với vắc-xin, thuốc chúng ta tiếp cận được, Cục Y tế dự phòng sẽ tham mưu cho Bộ Y tế điều chỉnh. Cái này là điều chỉnh liên tục chứ không phải cố định, bất biến”- ông Đỗ Xuân Tuyên nói./.