CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(Xây dựng) - Những năm qua, ngành Công nghiệp hỗ trợ điện tử đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận, có vị trí then chốt trong nền kinh tế. Tuy nhiên để chủ động sản xuất bền vững theo châu Âu, Mỹ ngày một thắt chặt thì bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng cần rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ điện tử của Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ.Ngành điện tử có vị trí then chốt
Những năm qua, ngành điện tử Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới.
Bộ Công thương nhìn nhận, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến hơn 100 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan...
Kể từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng điện tử, linh kiện, điện thoại đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam. Chính phủ xác định đây là ngành có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.
Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng. Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam có thể sẽ là trung tâm sản xuất của châu Á. Ngành linh kiện điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng cục Thống kê cũng đưa ra con số, nếu năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp hai lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức hơn 10%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5% và năm 2022 ước tính tăng 9,7%.
Với đà phát triển tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 của ngành công nghiệp điện tử đạt 97 tỷ USD, xuất siêu trên 9 tỷ USD. Đây là những con số cho thấy sự đóng góp rất lớn vào giá trị xuất khẩu của cả nước. Bởi công nghiệp điện tử vẫn đang dẫn đầu trong công nghiệp chế biến chế tạo có kim ngạch xuất khẩu cao. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử là 109 tỷ USD. Với đà phát triển 9 tháng năm 2024 tỷ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đạt 10%, dự báo năm nay sẽ tăng lên 120 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới thông báo sẽ tham gia vào Việt Nam như Walmart, Amazon, Boeing, Carrefour, Central Group; Coppel (Mexico), IKEA (Thụy Điển); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản). (Ảnh minh hoạ)Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Với việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới, từ đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện sẽ tạo nên doanh thu kỷ lục trong những năm tới.
Cần chính sách phát triển
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng ngành công nghiệp này tại nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức như vấn đề về vốn; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản trị, vận hành sản xuất đang còn yếu… Ngoài ra, cũng như những ngành sản xuất khác, công nghiệp điện tử đang chịu các quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Mỹ ngày một thắt chặt.
Năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành vẫn còn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi, chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.
Tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp CNHT ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Đáng nói, dù có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn cho rằng, trong cuộc đua này, doanh nghiệp FDI có nhiều ưu thế hơn. Bởi so với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội hạn chế về nhiều yếu tố như vốn, kinh nghiệm và cả mối quan hệ với những tập đoàn toàn cầu. Trong khi đó, để tham gia được vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn lớn, yêu cầu về thời gian giao hàng, về công nghệ...
Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thật sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu…
Cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử quan trọng.Xoay quanh vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho biết, chính sách hỗ cho ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị định này đã góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh, song vẫn còn hạn chế để phát triển.
“Do đó, cần khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP nhằm tạo cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn về thị trường, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...” - bà Đỗ Thị Thúy Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Hương, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo về Luật Công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ được đưa vào là một trong những hạng mục quan trọng, trung tâm của chiến lược phát triển giai đoạn tới.
Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử hiện nay, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ "dài hơi", giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành từ việc lắp ráp đơn giản sang sản xuất, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ðầu tiên, cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử quan trọng. Nguồn lực để sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài như vậy đòi hỏi đầu tư lớn, mất thời gian 10 - 20 năm, nhưng đầu tư liên tục là cần thiết để cải thiện năng lực sản xuất, khoa học công nghệ, góp phần tạo ra việc làm có giá trị gia tăng cao.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lại Hoàng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho rằng, để bắt tay vào hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị một nguồn lực rõ ràng, có chỉ tiêu, mục đích trong thời gian cụ thể.
“Tuy nhiên, cũng cần rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, hoạt động có thể tiếp cận được các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ sản xuất chíp bán dẫn. Đơn cử, hiện tại để tiếp cận các công nghệ thấp hơn 14 nano Best, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, cũng như mua các bản quyền sáng chế để có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất điện tử cũng đang rất vướng mắc trong việc tìm các nguồn vốn đầu tư”, ông Dương nhấn mạnh.