CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cần giải pháp mạnh để giải cứu chuỗi cung ứng

Invest Global 08:23 09/08/2021

Tác động của đại dịch Covid-19 năm 2021 đến chuỗi cung ứng về cơ bản là khác hoàn toàn so với năm 2020. Trong khi các thị trường tiêu thụ của Việt Nam đã hồi phục, các doanh nghiệp lại gặp khó ở việc làm sao để đảm bảo sản xuất, hoàn thành đơn hàng...

Vấn đề càng trầm trọng hơn đối với mặt hàng xuất khẩu có thị phần lớn như điện tử, dệt may và da - giày, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng”, chuyên gia kinh tế cùng đại diện các doanh nghiệp và lãnh đạo các bộ ngành phân tích, mổ xẻ và đưa ra hàng loạt giải pháp giải cứu chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp.

Không thể áp dụng một mô hình chống dịch cho mọi doanh nghiệp

 Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp trong ngành có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể áp dụng phương án “ba tại chỗ”.

Nói như vậy không có nghĩa là phản bác “ba tại chỗ”, vì phương án này đã phát huy hiệu quả khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, thực tế đã có những doanh nghiệp làm rất tốt. Vì vậy, với những doanh nghiệp nào làm tốt thì chúng ta vẫn duy trì và khuyến khích. Tuy nhiên, vẫn nên có lộ trình để mở ra giải pháp “hai tại chỗ” kết hợp test nhanh. Bởi mô hình “hai tại chỗ” sẽ linh hoạt hơn.

“Nếu chỉ áp dụng khiên cưỡng một mô hình cho tất cả các doanh nghiệp có thể sẽ thất bại”, bà Xuân nhấn mạnh. 

Thực tế, đặc thù của mỗi doanh nghiệp, ngành hàng rất khác nhau, cần nâng cao tính linh hoạt của doanh nghiệp, từ đó đề xuất một phương án phù hợp nhất cho sản xuất nhằm đảm bảo an toàn.

PGS. TS. Trần Nhuận Kiên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên cho rằng, dù các phương án như “ba tại chỗ”, hay “một cung đường, hai điểm đến” như thời gian qua chỉ là giải pháp ngắn hạn, tình thế, song là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, để vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.

Theo ông Kiên, giải pháp “ba tại chỗ” vẫn có thể được sử dụng và phát huy hiệu quả nếu được cải tiến phù hợp hơn. Với phương án “hai tại chỗ”, ông Kiên nhấn mạnh cần có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị ở địa phương, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp mới có thể vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may, da giày, thủy sản rất đông lao động và sẽ không thể duy trì theo kiểu “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm”.

“Chúng tôi xác định, "3 tại chỗ" chỉ có thể áp dụng được ở những ngành sản xuất nguyên liệu như dệt, sợi, vì diện tích nhà máy rộng, ít lao động. Tuy nhiên, tổ chức được nhưng nếu kéo dài lên đến 3 tuần thì tâm lý người lao động rất bất ổn, năng suất đi xuống”, ông Trường chia sẻ.

Ông Trường cho biết, doanh nghiệp sẽ không chịu đựng được lâu dài, bởi nếu thực hiện “3 tại chỗ” thì chi phí cho người lao động tăng gấp 2,2 lần, vào khoảng 20 triệu đồng/lao động.

Tuy nhiên, ông Trường cho rằng chúng ta không thể áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm” lâu dài được. Ví dụ như Bangladesh, các ca nhiễm vẫn nhiều nhưng họ vẫn phải cho lao động làm trở lại, họ không thể áp dụng thêm vì áp lực an sinh xã hội rất lớn. Dịch còn diễn biến lâu dài, các cơ quan quản lý cũng nên tính đến vấn đề này.

Cũng theo ông Trường, không thể có 1 chính sách chung cho tất cả, ngay trong 1 tỉnh cũng phải tùy từng địa bàn mà áp dụng. Ví dụ ở Đồng Nai, dịch chủ yếu là Biên Hòa, Định Quán không có nhưng ở đây áp dụng giống hệt các biện pháp như các huyện có dịch, khiến cho diện doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ lớn hơn.

Doanh nghiệp tại khu công nghệ cao TP.HCM gồng mình lo cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ

Cả Chính phủ và doanh nghiệp đều cần thay đổi trạng thái

Trao đổi tại Tọa đàm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, với tình hình hiện tại, vắc-xin là giải pháp cứu cánh, nhưng sẽ phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi.

Và kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60-70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể dễ lây lan hơn. Do đó, phải xác định đây là cuộc chiến trường kỳ - cuộc chiến về cả y tế và kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược.

“Chúng ta phải xác định tinh thần là cuộc chiến sẽ trường kỳ, không ai có thể đưa ra dự báo lạc quan lúc này. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái. Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài được, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay”, ông Lộc nhận định.

Đề cập sâu hơn về các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong đại dịch, ông Lộc cho rằng cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó và nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, minh bạch áp dụng cho cả nước.

Theo ông Lộc, nếu chỉ áp dụng cứng các biện pháp thì nền kinh tế sẽ không chịu được. Do đó, cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở, chấp nhận sự rủi ro.

“Tất nhiên sinh mệnh là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho rằng, giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Thực ra chúng ta không có gói hỗ trợ lớn như các nước được. Vì thế, những hỗ trợ về chính sách, về thị trường chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp khống chế dịch bệnh

Cần cơ chế riêng cho doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ với những thách thức vô cùng lớn mà doanh nghiệp gặp phải trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

“Trước đây 1-2 tháng, chúng ta khoanh vùng xử lý được, nhưng dịch lần này biến chủng Delta cơ chế lây nhiễm khác mà có thể lây nhiễm không qua tiếp xúc”, ông Hải nói

Theo ông Hải, cần có một cơ chế để cho phép các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại. Ví dụ điều kiện đảm bảo giãn cách tối đa, các doanh nghiệp bố trí làm sao giãn cách tối đa, hạn chế tiếp xúc, quá trình sản xuất đảm bảo để tránh lây nhiễm. Có thể không hạn chế 100% nhưng đảm bảo các doanh nghiệp vẫn chống dịch và duy trì sản xuất. Cần có phương án cả kể ngay trường hợp xảy ra thì cũng chỉ cách ly F0, F1 liên quan còn toàn bộ các khu vực khác duy trì sản xuất. 

“Chính phủ nên có cái nhìn nhận mang tính lâu dài của trận chiến lần này để đối phó với dịch bệnh. Các chuyên gia cũng nói ngay cả khi có vắc-xin thì cũng không thể giúp ta không nhiễm vi-rút mà chỉ giảm tỷ lệ tử vong. Chúng ta đối mặt với tình huống đó để nhìn với thực tế. Cần có sách lược để áp dụng với doanh nghiệp sản xuất, cho phép nới lỏng, tạo cho hoạt động sản xuất cần tính đến để đảm bảo mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất kinh tế”, ông Hải đề xuất.

Trao đổi về các giải pháp tăng cường lưu thông vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam đề xuất 4 giải pháp chính.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chấp thuận việc ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì ban hành hành hóa được phép ưu tiên như hiện nay.

Thứ hai, các đơn vị tại các chốt kiểm kịch chỉ nghe chỉ đạo, văn bản của cấp trên trực tiếp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có một hướng dẫn khác nhau. Vì vậy, Chính phủ nên phối hợp với công ty công nghệ hoặc chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ để việc khai báo y tế nhanh hơn. Nếu chưa ứng dụng được thì phải có một văn bản nhất quán.

Thứ ba, nên tạo luồng ưu tiên đối với vận tải hàng hóa quốc tế do nhiều địa phương nơi có cửa khẩu, cửa ngõ quốc tế rất tích cực chống dịch nhưng điều này lại gây cản trở dòng cung ứng trong nước và quốc tế.

Thứ tư, Chính phủ cần cho phép mua các bộ test Covid-19 nhanh để tránh tình trạng các lái xe thường xuyên phải đến các địa điểm test đông người, nguy cơ lây nhiễm rất cao. 

Box: 

Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc trực tuyến với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thủ tướng khẳng định trong khả năng của mình, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

“Chúng ta cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”, Thủ tướng nói.