CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chính phủ đã, đang và sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Invest Global 15:59 26/09/2021

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ tiếp tục các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đây là cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp được thực hiện theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Hàng nghìn doanh nghiệp tại điểm cầu trung tâm Văn phòng Chính phủ và các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành, các điểm cầu Bộ, ngành đối thoại với Thủ tướng Chính phủ hôm nay (26/9) để tiếp tục tìm giải pháp gỡ khó khăn vì Covid-19.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

 

Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9/2021 

Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát. Trong nỗ lực chung, Chính phủ hoan nghênh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định tiếp tục quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khủng hoảng, hồi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Thủ tướng cũng khẳng định: trách nhiệm, khát vọng phát triển và chiến thắng chính là điểm tựa quan trọng để chúng ta bứt phá, chiến thắng đại dịch COVID-19.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và lây lan khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải phong tỏa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ khẳng định không thể xem nhẹ vấn đề nào. Vừa phải chống dịch an toàn, đảm bảo tính mạng, sức khoẻ người dân, vừa khôi phục, thúc đẩy kinh tế.

“Tinh thần càng khó khăn, càng phức tạp, thì càng phải đoàn kết, càng dân chủ, phát huy trí tuệ, sáng tạo, lắng nghe ý kiến của nhau để vượt qua khó khăn, thách thức", Thủ tướng nhấn mạnh.  

Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, diễn ra sáng 26/9.
Thủ tướng cho biết, chúng ta đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới.

Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. "Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số" - Thủ tướng nói.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Thủ tướng trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện… 

Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định như Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Từ ý kiến các địa phương, doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ khẳng định Chính phủ sẽ có những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. “Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chụp hình lưu niệm với một số doanh nghiệp.

Tại “Hội nghị Diên hồng” hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đã, đang, luôn và sẽ sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn các bộ ngành chủ động hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước.

Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo:

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và DN; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ hai, Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và DN áp dụng trong thực tế.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.

Thứ tư, Chính phủ đang xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.

Cuối cùng là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, càng khó khăn thì các doanh nghiệp và hiệp hội càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh...; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế. Ngoài ra, các Hiệp hội cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng: Với tất cả những chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh và doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu để bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu đầy biến động và khó lường hiện nay.

Môi trường kinh doanh