CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuỗi sản xuất, thu mua nông sản 'đe dọa' đứt, gãy

Invest Global 14:53 30/07/2021

Không chỉ còn là câu chuyện làm thế nào để đưa nông sản, thực phẩm tới tay người tiêu dùng cuối cùng nữa, mà hiện nay tại nhiều địa phương, khi thực hiện giãn cách xã hội, việc sản xuất, thu hoạch nông sản cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu không có giải pháp nhanh chóng, việc đứt gãy sản xuất là điều khó tránh khỏi.

Ngày 29/7, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn "Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách, phòng, chống COVID-19" theo hình thức trực tuyến. Nhiều vướng mắc về sản xuất, thu hoạch, lưu thông nông sản được đặt ra.

Thu hoạch nông sản cũng khó

Đại diện Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, tỉnh này đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, diện tích vào khoảng 141.000 ha, sản lượng dự kiến 800.000 tấn. Tuy nhiên, vấn đề địa phương lo nhất hiện nay là các ghe thương lái đang rất khó tiếp cận vùng nguyên liệu. Do đó, Sóc Trăng kiến nghị phương án cho các ghe có giấy giới thiệu của Sở NN&PTNT được di chuyển thuận lợi để đảm bảo công tác thu mua.

Sở NN&PTNT các tỉnh xem xét cấp giấy giới thiệu cho các đội sản xuất, thu hoạch nông sản.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group nói rằng, hiện nay các tỉnh, thành phía Nam bị giới hạn giờ ra đường. Mọi khi, công ty thu hoạch từ 4 giờ sáng đến 6 giờ là về cơ sở chế biến, tối 22 giờ mới hết ca. Nhưng hiện nay, chỉ tổ chức sản xuất từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối. Sản lượng chế biến trước là 100 tấn/ngày, giờ chỉ còn khoảng 20-30% năng lực.

Vì vậy, ông Tùng kiến nghị, gia hạn cho thời gian thu hoạch, chế biến, thay vì khung từ 6-18 giờ như hiện nay. Do trái cây tươi, hái về phải xử lý ngay, không thể trữ được.

"Sắp tới, Vina T&T Group sẽ thu hoạch nhãn ở Cần Thơ. Phía địa phương sẽ hỗ trợ việc này nhưng người của công ty cần giấy xét nghiệm âm tính để đi lại, nhân viên thường phải cần 2 lần xét nghiệm và không thể đi về trong ngày", ông Tùng nói.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là về lưu thông sản phẩm trong thời điểm giãn cách. Theo ông Tường, hiện nay thương lái không thể đi từ xã tới xã, thậm chí có thương lái đi mua mà không về được. Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị Sở GTVT tạo điều kiện, nhưng chưa được vì số lượng quá lớn.

Đại diện Công ty Huy Long An phân tích, nếu không tập trung vào sản xuất mà chỉ quan tâm đến cung ứng thì chuỗi sẽ bị gián đoạn. Tình hình dịch bệnh hiện nay khác với tháng 5, số người mắc lên đến hàng nghìn người/ngày. Do đó, cần có sự chia sẻ với các địa phương để đảm bảo công tác chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân. Hiện nay, những nơi đang đến vụ thu hoạch như nhãn, chanh, lúa, sầu riêng nhưng bị ách tắc do đội ngũ thu hoạch bị đứt gãy bởi yêu cầu công nhân chuyên biệt.

Do đó, đại diện công ty Huy Long An cho rằng, về thu hoạch, đối với lực lượng lao động này cần được di chuyển từ huyện sang huyện, từ tỉnh sang tỉnh. Mặc dù khó, nhưng phải có cơ chế kèm theo các yêu cầu về đảm bảo an toàn dịch bệnh và họ cần được xếp thứ tự ưu tiên trong tiêm vắc xin. Ngoài ra, chúng ta cần đảm bảo vật tư sản xuất nông nghiệp được lưu thông thông thoáng hơn để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ách tắc khâu vận chuyển hàng hóa 

Đại diện công ty Huy Long An khuyến nghị, cần quan tâm đến lực lượng nhân công làm việc ngoài đồng. Đưa nông dân, công nhân nông nghiệp vào danh sách những người làm việc trong ngành nghề ưu tiên. 

Về việc đưa người lao động ra đồng sản xuất, thu hoạch, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc, do đó, Bộ NN&PTNT sẽ sớm có văn bản đến các địa phương để giải quyết. Phương án có thể là giấy giới thiệu của Sở NN&PTNT các tỉnh cấp cho các đội sản xuất, thu hoạch nông sản để di chuyển qua các chốt kiểm soát.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phản ánh, khó khăn lớn nhất là khâu vận chuyển hàng hóa. Hiệp hội ghi nhận ý kiến nhiều siêu thị về việc các nhà cung cấp chuyển hàng từ các tỉnh về TP.HCM gặp vướng mắc ở các chốt kiểm soát.

"Họ nói là đưa giấy tờ ra nhưng chẳng ai cần xem, hàng hóa cứ thế ách tắc", bà Hậu nói.

Trước khó khăn trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hiệp hội Bán lẻ liên hệ với đường dây nóng của Sở NN&PTNT. "Chính sách sẽ có điều chỉnh, song khâu quan trọng là Hiệp hội phải liên hệ ngay với các Sở NN&PTNT. Tình hình dịch bệnh còn rất căng thẳng, do đó, chúng ta cần tiếp tục "chiến đấu", ông Nam nhấn mạnh tinh thần chống dịch.

Ông Nam cũng chia sẻ, dịch COVID-19 đã được khống chế ở một số nơi, nhưng nhiều nơi còn diễn biến phức tạp. Vì thế, việc cung ứng, lưu thông và phân phối nông sản ở một số nơi còn bị ách tắc. Vì lẽ đó, kính mong các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân hết sức thông cảm khi một số nơi phải siết chặt lưu thông. "Nhiệm vụ số một giờ là chống dịch, sức khỏe người dân là trên hết", ông Nam nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, ngay trong ngày 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu các địa phương không kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy chứng nhận QR Code còn thời hạn, do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có QR Code, hoặc có nhưng hết hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với Sars-Cov-2 đối với người trên phương tiện.

Lê Thúy

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

 

Môi trường kinh doanh