CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuyển đổi xanh - sự lựa chọn phát triển bền vững của doanh nghiệp

Invest Global 10:47 27/05/2024

Trong bối cảnh suy giảm tài nguyên, việc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Để không tụt hậu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đảm bảo sự tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững.

(TBTCO) - Trong bối cảnh suy giảm tài nguyên, việc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Để không tụt hậu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đảm bảo sự tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững.

Thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi xanh và số - hướng tới phát triển bền vững” diễn ra ngày 23/5/2024, ông Nguyễn Hải Hùng - Phó giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) phản ánh, những năm trở lại đây, mặc dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành sự ưu tiên của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính phủ, tuy nhiên hai quá trình chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các rào cản chính bao gồm hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại phía sau trong tiến trình này.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, bên cạnh những cơ hội và lợi ích, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cũng đặt ra 3 thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nền kinh tế đa dạng và sự đa dạng văn hóa.

Chuyển đổi xanh - sự lựa chọn phát triển bền vững của doanh nghiệp Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm, có sức cạnh tranh. Ảnh tư liệu

Thách thức lớn nhất là tài chính, đó là việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh thường đòi hỏi một nguồn lực lớn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Áp lực tài chính đe dọa sự bền vững của doanh nghiệp trong dài hạn và làm giảm khả năng tiếp cận vốn đầu tư.

Thứ hai là thách thức về nhận thức và hiểu biết. Đối với nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm mới lạ và không đủ thông tin để hiểu rõ. Sự thiếu hiểu biết và nhận thức về lợi ích dài hạn của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Thứ ba là thách thức về hỗ trợ và hướng dẫn. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khuyến khích chuyển đổi xanh, nhưng việc triển khai và thực thi chúng vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra một không gian để cần cải thiện và tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Poovathungal Itteera Roychia sẻ những lý do ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động đầu tư bền vững. Trong đó có tới 55% các chủ doanh nghiệp lo ngại rằng khi đầu tư các hoạt động sản xuất xanh bền vững sẽ không mang lại lợi nhuận, có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đầu tư. Đây là bài toán khó mà doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp SME nói riêng tỏ ra e ngại.

Yêu cầu bức thiết

Việt Nam là một quốc gia đang trải qua sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, cũng đang đối mặt với áp lực từ các vấn đề biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay và mang lại nhiều lợi ích quan trọng.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, lợi ích kép của chuyển đổi xanh, chuyển đối số có tính tương hỗ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, chống chịu được tác động, canh tranh. Cụ thể, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.

Đồng thời, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm.

Chuyển đổi xanh là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu tiên chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số và khẳng định đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.

Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó còn tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến.

Cụ thể, ông Jeffrey Jian Xu - Chuyên gia giáo dục cấp cao, Ban phát triển con người và xã hội tại Ngân hàng phát triển châu Á chia sẻ 5 trụ cột chính trong câu chuyện chuyển đổi xanh. Trong đó, nhấn mạnh đến các giải pháp tài chính xanh chính, hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi xanh thông qua các khoản đầu tư, tài trợ…

Theo ông Jeffrey Jian Xu, một trong những lý do quan trọng đang “giữ chân” doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số chính là sự thiếu hụt về dữ liệu hiện trường. Điều này khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro và tiềm năng của các dự án, kế hoạch "xanh hoá".

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng các ưu đãi tín dụng của nhà nước và các quỹ đầu tư cho hoạt động sản xuất, qua đó, nâng cao hiệu suất và chất lượng, đồng thời kiểm soát và cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị. Áp dụng các biện pháp quản lý theo theo các tiêu chuẩn ISO (14064, 14067, 50001) để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số ở thị trường Đài Loan, Trung Quốc và câu chuyện tại Việt Nam - TS. Nguyễn Xuân Thơ - Cố vấn cấp cao DigiwinSoft đã đề cập tới Lộ trình Chuyển đổi kép song hành số & xanh.

Trong đó, để đạt được mục tiêu chuyển đổi số và xanh, các doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình vận bắt thông số sản xuất tức thời qua công nghệ loT. Quản lý sản xuất tiêu chuẩn đòi hỏi hệ thống hóa tiến độ sản xuất và xây dựng cơ chế quản lý, từ đó phân bố và tính toán chính xác chi phí sản xuất, tăng hiệu suất báo giá và đảm bảo lợi nhuận. Ngoài ra, nắm bắt lượng phát thải, tiêu thụ năng lượng và triển khai quản lý năng lượng theo các tiêu chuẩn ISO (14064, 14067, 50001) là cần thiết để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo ông Poovathungal Itteera Roy, để vượt qua thách thức nêu trên, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số, để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Đây chính là lý do xu hướng chuyển đổi kép - "Chuyển đổi số đồng hành cùng chuyển đổi xanh” đang ngày càng được chú trọng”. Tình hình này đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ và các tổ chức liên quan./.