CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Bình luận nhanh về mức thuế quan với Việt Nam do Tổng thống Trump công bố, TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng đây là một thành công trong bối cảnh một tháng trước, cố vấn thương mại Mỹ đã chỉ đích danh Việt Nam là nước trung chuyển hàng hóa và có nguy cơ chịu mức thuế rất cao.
“2 tuần trở lại đây lại có những quan điểm bi quan do một số bài báo quốc tế nhìn nhận Việt Nam sẽ bị đánh thuế đối ứng nặng nhất ASEAN, dẫn đến một số lo sợ mức thuế gần 30%. Vì vậy 20% là một con số không xấu”, ông Tuấn nhận định.
Ông cũng lưu ý, phản ứng của thị trường chứng khoán Mỹ là một tín hiệu đáng chú ý. Cổ phiếu của Nike - thương hiệu gia công nhiều tại Việt Nam, tăng mạnh, cho thấy nhà đầu tư Mỹ đánh giá tích cực về thỏa thuận này.
Chuyên gia phân tích, phía đối tác Mỹ niêm yết đã phản ứng qua giá cổ phiếu, đánh giá là thỏa thuận này tốt. Nhóm ngành nào đang chịu thuế xung quanh hoặc gần 20% thì được lợi. Nhóm nào đang rất thấp mà lên 20% thì sẽ chịu thiệt.
Trước câu hỏi liệu mức thuế 20% có làm giảm hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, TS. Hồ Quốc Tuấn cho rằng cần so sánh tương quan với các quốc gia cạnh tranh FDI khác: “Kể cả chênh lệch 10% thì có đáng để họ bỏ Việt Nam sang các nước đó không? Câu chuyện không chỉ là thuế quan, còn nhiều thứ nữa”.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng nhiều chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được làm rõ, cần thêm thời gian: “20% sẽ áp dụng cho tất cả hàng không phải hàng trung chuyển hay có ngoại lệ nào tốt hơn hoặc tệ hơn? Sử dụng cơ sở nào, tỷ lệ bao nhiêu, có phân biệt nơi xuất xứ để xác định hàng trung chuyển không? Ngoài thuế đối ứng còn nhiều loại thuế khác ông Trump đang áp lên các nước, thoả thuận với Việt Nam đã thương lượng khuôn khổ này chưa hay chỉ tính thuế đối ứng?”.
Trong khi đó, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá mức thuế 20% là chấp nhận được, dù cao hơn kỳ vọng cá nhân ông là 10 - 15%.
Chuyên gia cũng cho rằng, nếu Mỹ áp các mức thuế quan khác nhau theo tỷ lệ nội địa hoá thì sẽ là tin tích cực đối với mục tiêu tăng trưởng hai con số. Doanh nghiệp FDI xuất khẩu sẽ phải tìm cách tăng tỷ lệ nội địa hoá như phát triển công nghiệp phụ trợ và nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam để tránh thuế.
Thông báo của ông Trump trên mạng xã hội.
Tối 2/7 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo trên mạng xã hội Truth Social rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được một “thỏa thuận thương mại khung”. Theo đó, phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu mức thuế quan 20%, trong khi hàng trung chuyển từ nước thứ ba sẽ bị đánh thuế 40%.
Ngược lại, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa Mỹ, trong đó có ô tô động cơ lớn, với thuế nhập khẩu 0%.
Cũng trong tối cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump nhằm trao đổi về quan hệ song phương và đàm phán thuế đối ứng. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
Tổng thống Trump đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc tạo điều kiện tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là xe phân khối lớn. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và tiếp tục hợp tác để tháo gỡ những vướng mắc thương mại.
Ngay sau thông tin này, thị trường tài chính Mỹ đã có phản ứng tích cực. Theo Bloomberg, thỏa thuận với Việt Nam là một trong những yếu tố giúp thị trường lạc quan hơn. CNBC ghi nhận, trong phiên giao dịch ngày 2/7, chỉ số S&P 500 tăng 0,47%, đóng cửa ở mức kỷ lục mới 6.227 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng lập đỉnh, tăng 0,94% lên 20.393 điểm.
Đỗ Kiều