CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuyên gia Thái: Thái Lan 'không có cơ' bì với Việt Nam trong đàm phán thuế quan với Mỹ

Invest Global 09:09 22/07/2025

Theo giới chức Thái Lan, mục tiêu chính của nước này là đàm phán một mức thuế với Mỹ để cho phép nước này duy trì cạnh tranh với các nước láng giềng.

Ông Somjai Phagaphasvivat, chuyên gia kinh tế quốc tế, cảnh báo rằng Thái Lan không thể đưa ra đề xuất thương mại với Mỹ tương đương với mức Việt Nam đã làm, Bangkok Post đưa tin.

Việt Nam hiện có thể xóa bỏ thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ vì Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với 27 nước, nhờ đó giảm hầu hết thuế nhập khẩu của Việt Nam xuống mức 0%.

Ngược lại, Thái Lan khó có thể làm như vậy, vì nước này có FTA với ít quốc gia hơn Việt Nam, vị chuyên gia lập luận.

Ông Somjai Phagaphasvivat. Ảnh: Bangkok Post

Theo ông Somjai, Thái Lan có thể học hỏi Việt Nam trong việc ký thêm nhiều FTA với các quốc gia khác, từ đó "có thể mở cửa hoàn toàn".

Vị này cho biết, trong các cuộc đàm phán thương mại hiện nay với Mỹ, mục tiêu là giảm thuế nhập khẩu của Thái Lan đối với hàng hóa Mỹ xuống 0% ở quy mô lớn nhất có thể.

Tuy nhiên, ông Somjai cho rằng các mức giảm thuế được đề xuất có thể sẽ rơi vào ba nhóm: hàng hóa chịu thuế suất Tối huệ quốc (MFN); hàng hóa có mức thuế suất sẽ được giảm xuống dưới mức MFN nhưng chưa đến 0%; và hàng hóa có mức thuế suất sẽ giảm về 0%.

Các sản phẩm mà thuế nhập khẩu có thể được giảm về 0% nên là những mặt hàng mà Thái Lan không sản xuất trong nước hoặc chỉ có thể sản xuất với số lượng ít, ông nói thêm.

Ông Somjai bình luận rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ nhằm mục đích giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác, mà còn nhằm lồng ghép các vấn đề an ninh với chính sách thương mại, có thể can thiệp vào nội bộ của các nước khác để làm cơ chế mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, và điều này sẽ tác động đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Somjai, người đã theo dõi sát sao các vấn đề địa chính trị trong khu vực trong một thời gian dài, cho biết bằng cách gắn các mối quan ngại về an ninh với các vấn đề thương mại, Mỹ có thể biết rõ rằng Thái Lan không thể ưng thuận, nhưng Mỹ làm như vậy để tăng quyền mặc cả. Điều này tương tự cách Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu 50% đối với Brazil.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira hôm 14/7 thừa nhận rằng các cuộc đàm phán với Mỹ về các vấn đề thuế quan có liên quan đến các khía cạnh địa chính trị.

Ông Somjai lưu ý rằng một số loại sản phẩm, nếu thuế nhập khẩu được giảm xuống 0%, có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp trong nước. Nước này có thể cần phải đàm phán các điều khoản, chẳng hạn như cho phép nhập khẩu với mức thuế suất 0% nhưng trong hạn ngạch quy định, và cũng có thể nới lỏng các tiêu chuẩn sản phẩm, tùy thuộc vào mức độ linh hoạt mà Thái Lan sẵn sàng dành cho Mỹ.

Ngoài ra, về các vấn đề phi thuế quan, ông cho biết Mỹ đã gây sức ép buộc một số quốc gia phải mở cửa quy trình mua sắm của chính phủ, cho phép các công ty Mỹ tham gia rộng rãi hơn vào việc đấu thầu các dự án khu vực công.

Thái Lan đưa ra nhượng bộ để cạnh tranh với các nước láng giềng

Tuần trước, truyền thông quốc tế đưa tin quan chức Thái Lan đang chuẩn bị đưa ra các đề xuất mới trong đàm phán thương mại với Mỹ nhằm tránh mức thuế 36% mà Tổng thống Trump đe dọa áp lên nước này.

Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira có cuộc thảo luận trực tuyến với Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer vào hôm 16/7, trong đó đưa ra các biện pháp mới như loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa Mỹ.

Các quan chức Thái Lan tự tin rằng họ có thể đạt được một thỏa thuận với Washington trước hạn chót 1/8.

Trước đó, Thái Lan đã cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 90% hàng hóa từ Mỹ và dỡ bỏ một số rào cản phi thuế quan. Chính phủ nước này cũng đề xuất tăng mua hàng nông sản, năng lượng và máy bay Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại, ở mức 45,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Ông Pichai cho rằng chính phủ Thái Lan mong muốn mức thuế quan 10% với Washington, nhưng khoảng 10-20% cũng có thể chấp nhận được.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan trong năm 2024, chiếm đến 18% tổng giá trị xuất khẩu của nước láng giềng với Việt Nam. Xuất khẩu từ Thái Lan sang Mỹ đã tăng 15% trong 5 tháng đầu năm nay, chủ yếu do đơn hàng tăng do lo lại Mỹ áp thuế cao hơn.

Các nhượng bộ mà Thái Lan đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Trump công bố đã đạt được một thỏa thuận với Indonesia, trong đó giảm mức thuế về 19% từ 32% trước đó. Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã xác nhận thỏa thuận này, trong đó Jakarta sẽ miễn thuế đối với hàng hóa Mỹ.

Trong khi đó, Malaysia có thể chịu mức thuế 25% và Philippines 20%.

Các quan chức Thái Lan cho rằng, mục tiêu chính của nước này là đàm phán một mức thuế với Mỹ để cho phép nước này duy trì cạnh tranh với các nước láng giềng.