CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chỉ số VN-Index tiếp tục có phiên bất thành chinh phục mốc 1.500. Trong phiên 21/7, có thời điểm chỉ số chính đại diện sàn HoSE đã vượt kháng cự này, tuy nhiên áp lực bán mạnh càng về cuối phiên đã khiến VN-Index điều chỉnh mạnh.
Chỉ số chốt phiên giảm 12,23 điểm (tương đương 0,82%) xuống mức 1.485,05 điểm. Về mức độ ảnh hưởng, VIC, VHM, TCB và VCB là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, VPB, HVN, LPB, HPG là những mã vẫn giữ được sắc xanh.
Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 1,45 tỷ đơn vị, giá trị giao dịch 34.602 tỷ đồng. Lực bán áp đảo HoSE với 203 mã giảm và 118 cổ phiếu tăng điểm.
Về giao dịch của khối ngoại, số liệu từ VNDirect cho thấy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại 175,44 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các mã VPB (218,87 tỷ đồng), VIC (76,66 tỷ đồng), SSI (68,49 tỷ đồng)… và bán ròng VCB (-147,05 tỷ đồng), FPT (-142,51 tỷ đồng), VIX (-86,1 tỷ đồng)…
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhìn nhận với việc tăng 5 tuần liên tiếp và áp sát kháng cự 1.500, VN-Index đang gần vùng kháng cự cũ của giai đoạn 2021-2022.
“Đây là vùng đỉnh cũ, kết hợp kháng cự mạnh nên việc chỉ số VN-Index gặp điều chỉnh, rung lắc là chuyện bình thường và mang tính chất kỹ thuật. Nhìn từ đồ thị, phiên 21/7 đã xuất hiện sự rung lắc chốt lời”, ông Sơn phân tích.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra dù chỉ số chính điều chỉnh song các nhóm cổ phiếu khác vẫn duy trì đà tăng vừa phải và phân hóa do ảnh hưởng từ mùa BCTC quý II. Những nhóm ngành hoặc cổ phiếu có KQKD khả quan, đặc biệt là các cổ phiếu penny hoặc midcap sẽ tăng mạnh.
“Trong giai đoạn tiếp theo của VN-Index, các cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm VIC sẽ chững lại, thậm chí điều chỉnh và sau đó sẽ hồi phục trở lại. VN-Index giai đoạn này cũng sẽ có nhiều cây nến rung lắc”, ông Sơn dự báo.
Vị chuyên gia này cho rằng xu hướng của thị trường vẫn khỏe. Chỉ số vẫn đang nằm trên MA5, MA10 và MA20 (hiểu các giá trị đóng cửa trung bình của 5, 10 và 20 phiên gần nhất). Giai đoạn hiện tại vùng hỗ trợ của chỉ số là 1.450-1.480. Do đó, ở kịch bản lạc quan, VN-Index được dự báo có thể vượt vùng 1.511-1.536 điểm trước khi điều chỉnh. Kịch bản thứ hai VN-Index chưa vượt được 1.511 và sẽ có nhịp điều chỉnh về 1.410-1.430, song mức biến động không nhanh. Chỉ số vẫn có sự giằng co với các phiên tăng/giảm đan xen.
Ông Sơn cũng tin tưởng sau giai đoạn điều chỉnh, VN-Index sẽ có xu hướng tạo nền giá mới và bật tăng vượt vùng đỉnh lịch sử, và đạt vùng điểm cao tiếp theo.
"Tôi vẫn giữ nguyên dự báo VN-Index điều chỉnh khoảng +/-5% theo chỉ số. Đây là giai đoạn phân hóa khi nhóm trụ cột bị chững lại và thị trường sẽ rơi vào vùng rung lắc điều chỉnh trong 2 – 2 tuần rưỡi. Với biến động như vậy, nhà đầu tư nên chốt lời một phần các mã tăng tốt, tái cấu trúc danh mục đón nhóm cổ phiếu tăng tiếp theo", chuyên gia VPBankS khuyến nghị.