CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuyển mạng giữ số: Nhà mạng sắp tới sẽ khó nói lời 'từ chối'

Invest Global 09:05 06/01/2025

(KTSG) - Bước qua năm 2025, hai văn bản pháp lý về việc chuyển mạng giữ nguyên số điện thoại di động được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng nhà cung ứng dịch

(KTSG) - Bước qua năm 2025, hai văn bản pháp lý về việc chuyển mạng giữ nguyên số điện thoại di động được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng nhà cung ứng dịch vụ mạng di động cố níu chân khách thuê bao muốn chuyển mạng nhưng bằng những cách thức không rõ ràng như trong thời gian qua, khiến nhiều người cảm thấy như đang bị làm khó.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định mới về chuyển mạng giữ sốHàng triệu khách thuê bao đã chuyển mạng giữ số thành công

Hai văn bản pháp lý gồm Nghị định số 163/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông vừa có hiệu lực ngày 24-12-2024 và dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT đã hoàn thành bước lấy ý kiến cuối tháng 12-2024, sẽ sớm được ban hành vào đầu năm 2025. Các quy định mới này được cho là sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn vì sau sáu năm triển khai, tình trạng nhà mạng làm khó khách hàng muốn chuyển sang mạng khác bằng đủ thứ điều kiện vẫn tồn tại.

Điểm mới quan trọng nhất của hai văn bản pháp lý này là nhà mạng không còn được tự đặt ra thêm các điều kiện ràng buộc để từ chối thuê bao chuyển mạng. Thay vào đó, nhà mạng chỉ được từ chối chuyển mạng đúng theo các điều kiện được quy định trong Nghị định 163/2024 và dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 35/2017.

Đây được cho là bước tiến mới trong việc bảo vệ người tiêu dùng vì sau khi được triển khai ở Việt Nam từ năm 2019 đến nay, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số điện thoại (MNP - Mobile Number Porting) vẫn luôn ở trong tình trạng mập mờ. Các nhà mạng đã thêm các điều kiện vào các thủ tục chuyển mạng mà như cách nói nhiều bức xúc của khách thuê bao rằng đấy chỉ là kiểu “dùng tiểu xảo” để giữ chân, không cho họ chuyển sang nhà mạng khác.

Không ít khách thuê bao ấm ức vì nhà mạng từ chối cho chuyển mạng với lý do chung chung, không rõ ràng. Sau một năm triển khai dịch vụ MNP, Cục Viễn thông ghi nhận có 340.000 thuê bao bị từ chối cho chuyển mạng với lý do “chưa đáp ứng đủ điều kiện”, mà điều kiện đó là gì thì các nhà mạng thường trả lời một cách lấp lửng. Cũng theo Cục Viễn thông, tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ số đến tháng 2-2023 có gần 3,5 triệu thuê bao chuyển mạng thành công. Trong số này có đến 323.000 thuê bao chỉ bị từ chối sai và sau đó mới được chấp nhận cho chuyển mạng.

Cách phổ biến nhất là nhà mạng tung ra các gói cước hay dịch vụ giá trị gia tăng khuyến mãi để trói chân khách hàng. Chỉ cần đăng ký các dịch vụ này là nhà mạng sẽ buộc khách hàng phải sử dụng ít nhất 12 tháng mới được chuyển mạng. Không ít khách hàng rơi vào mê hồn trận thuật ngữ rối rắm, dễ hiểu nhầm của các chương trình này và lỡ đăng ký rồi bị trói chân.

Minh bạch hóa điều kiện chuyển mạng là điểm tiến bộ rõ rệt trong dự thảo thông tư này với ba điều khoản quy định rất cụ thể. Theo đó, các điều kiện từ chối chuyển mạng được quy định rất rõ ràng. Nếu không rơi vào các điều kiện từ chối này, nhà mạng không được từ chối cho thuê bao chuyển mạng.

Nhà mạng cũng không được dùng các khuyến mãi để làm điều kiện ràng buộc khách thuê bao sử dụng mạng. Ngoài ra, nhà mạng phải cung cấp đầy đủ thông tin về lý do tại sao thuê bao bị từ chối chuyển mạng.

Nhìn qua nước láng giềng Thái Lan, dịch vụ MNP đã được triển khai từ năm 2010. Ủy ban Phát thanh truyền hình và viễn thông quốc gia Thái Lan còn ban hành quy định buộc các nhà mạng giảm thời gian chuyển đổi từ ba ngày xuống còn hai ngày, theo nhật báo The Nation.

Mong là với các văn bản pháp luật mới về chuyển mạng giữ số, người tiêu dùng Việt Nam sẽ không còn bị làm khó với các lý do mà nhà mạng tuỳ tiện đặt ra như trong thời gian qua nữa.