CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) - Trong năm 2025 ngành năng lượng thế giới có thể chứng kiến những thay đổi lớn khi các nước chú trọng hơn tới việc đảm bảo an ninh năng lượng. Điện hạt nhân dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong khi năng lượng tái tạo đối mặt nhiều thách thức.
Mỹ và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác về bán dẫn và an ninh năng lượngViệt Nam nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượngĐảm bảo an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu
Trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, thị trường năng lượng Mỹ đã bắt đầu điều chỉnh dựa trên những chính sách dự kiến của chính quyền mới, đó là ủng hộ các ngành dầu khí và điện hạt nhân, đồng thời đánh giá lại việc phát triển các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump nay đang từng bước được cụ thể hóa. Ví dụ như ý định tối đa hóa sản lượng dầu mỏ được thể hiện qua việc đề cử ông Chris Wright - một giám đốc điều hành trong ngành dầu mỏ - làm Bộ trưởng Năng lượng. Nhóm chuyển giao của ông Trump cũng đã đưa ra tuyên bố về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời đẩy nhanh quá trình xin giấy phép khoan dầu khí trên lãnh thổ liên bang.
Các thay đổi này diễn ra vào thời điểm các công ty và tiểu bang tại Mỹ đều đang tìm kiếm nguồn cung năng lượng dồi dào và rẻ nhất có thể. Hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn và sự bùng nổ về nhu cầu từ các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) là những yếu tố chính thúc đẩy xu hướng này.
Trên phạm vi toàn cầu, xu hướng tăng cường an ninh năng lượng bắt nguồn từ những rủi ro địa chính trị gia tăng, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo Forbes, đây là một phản ứng tự nhiên khi các nước cần nhiều điện hơn để đảm bảo mục tiêu an ninh, công nghệ và tăng trưởng kinh tế.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, trong năm 2025 nhu cầu điện toàn cầu sẽ tăng khoảng 4%. Nhu cầu này, cùng với giá bán buôn cao, chi phí sản xuất tăng, thời tiết lạnh và lượng khí đốt dự trữ giảm sẽ là những yếu tố khiến giá năng lượng gia tăng hơn nữa.
Những thách thức đối với năng lượng tái tạo
Trong bối cảnh nhu cầu gia tăng, năng lượng tái tạo được dự báo vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế và môi trường. Theo các chuyên gia của Rystad Energy, 90% mức tăng trưởng tiêu thụ điện vào năm 2025 dự kiến đến từ năng lượng tái tạo, trong khi điện hạt nhân và khí đốt chiếm 10% còn lại.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn. Theo Forbes, các chuyên gia từng dự báo, tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu có thể tăng từ khoảng 30% lên 40% vào năm 2030, nhưng các chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể thay đổi điều đó.
Trang The Conversation nhận định, ông Trump có thể gặp khó khăn trong việc xóa bỏ các khoản đầu tư lớn của chính quyền Tổng thống Joe Biden vào năng lượng sạch, do chúng đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch sẽ gây sức ép nghiêm trọng lên điện mặt trời và gió. Các ngành này cũng sẽ bị tác động khi pin mặt trời và turbine gió nhập khẩu từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, trở nên đắt đỏ hơn nếu Mỹ đẩy mạnh chính sách thuế quan.
Bên cạnh đó, điện gió và điện mặt trời cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng gia tăng do tính thiếu ổn định của mình.
Ví dụ rõ nét nhất cho sự thay đổi này diễn ra tại chính châu Âu - nơi từng coi năng lượng tái tạo như một giải pháp thay thế cho nguồn cung dầu khí giá rẻ nhập khẩu từ Nga. Theo cơ quan thống kê Eurostat, năng lượng tái tạo là nguồn điện hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023, chiếm 44,7% cơ cấu sản xuất điện, tăng 12% so với năm 2022.
Tuy nhiên, khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên, sự phụ thuộc vào ánh nắng mặt trời và gió - những yếu tố vốn thất thường cũng gia tăng theo. Trong mùa đông - thời điểm nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao, các tấm pin mặt trời không thể tạo ra điện do không có đủ nắng, còn các turbine sẽ ngừng quay khi trời lặng gió. Và với việc các công ty vẫn chưa thể lưu trữ được lượng điện lớn, tính ổn định của hệ thống năng lượng - từng được đảm bảo nhờ điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và điện hạt nhân, giờ đã không còn nữa.
Trong bối cảnh đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn kiên trì theo đuổi Energiewende - chính sách chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đã trải qua những giai đoạn thiếu hụt nguồn cung. Đồng thời, thị trường năng lượng châu Âu - vốn có tính liên kết rất cao, cũng bị cuốn vào vòng xoáy tăng giá.
Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu năng lượng Agora Energiewende, sáng sớm hôm 12-12, giá một megawatt giờ điện đã tăng vọt từ 107 euro lên 936 euro, rồi lại nhanh chóng giảm xuống dưới 115 euro trong ngày hôm sau. Những biến động đột ngột đã ảnh hưởng đến hoạt động của một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Tình trạng trên đã khiến nhiều quốc gia châu Âu cảm thấy lo ngại. Na Uy, Thụy Điển hiện đang xem xét lại các mối liên kết năng lượng với lục địa châu Âu, trong khi Quốc hội Séc đã bắt đầu cắt giảm đáng kể viện trợ cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời để ủng hộ các giải pháp thay thế ổn định hơn.
Sự phục hồi mạnh mẽ của điện hạt nhân
Trước những hạn chế của năng lượng tái tạo, nhiều quốc gia đang quay lại với điện hạt nhân - một nguồn năng lượng ổn định và không phát thải carbon. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi tháng trước đã công bố kế hoạch tăng gấp 3 lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Kế hoạch này dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ hoạt động trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm xử lý dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo, như Microsoft, Google hay Meta cũng đang chi ra hàng tỉ đô la để đầu tư vào nguồn cung điện hạt nhân, coi đây như một giải pháp hiệu quả và ổn định.
Trung Quốc cũng coi điện hạt nhân là một phần quan trọng của tương lai ngành năng lượng. Nước này hiện đang cố gắng tận dụng những lợi thế của Nga đối với chuỗi cung ứng hạt nhân dân sự, và củng cố quan hệ chính trị với các quốc gia sản xuất uranium như Kazakhstan, Namibia và Úc.
Số liệu thống kê mới nhất của Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho thấy, tính đến năm nay, nước này đã có 102 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành hoặc được phê duyệt xây dựng, với tổng công suất lắp đặt đạt 113 triệu kW, qua đó trở thành quốc gia điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Các nước châu Âu, bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ của Nga, cũng đang xem xét lại việc khôi phục ngành điện hạt nhân.
Hungary - một thành viên của EU đang có động thái mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân bằng cách bổ sung thêm hai lò phản ứng VVER do Nga sản xuất. Romania, Slovakia, Ba Lan, Phần Lan và một số nước khác cũng đang tham gia vào các dự án điện hạt nhân. Bên ngoài châu Âu, Indonesia đã hướng tới Nga và Mỹ để đạt được thỏa thuận mua công nghệ hạt nhân nhằm thay thế cho việc sử dụng than đá quá mức trong quá khứ.
Với các nền kinh tế nhỏ, sự quan tâm đối với các lò phản ứng hạt nhân mô đun cỡ nhỏ đang ngày càng gia tăng. Điều này có thể mở ra một hướng đi mới cho ngoại giao kinh tế và trao đổi công nghệ giữa các quốc gia mới nổi và các quốc gia có chuyên môn hạt nhân tiên tiến hơn.
Ấn Độ - một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đã công bố ý định tăng gấp 3 sản lượng điện hạt nhân của riêng mình vào năm 2030. Đạo luật Năng lượng nguyên tử của Ấn Độ năm 1962 cấm bất kỳ tổ chức nào khác ngoài các cơ quan thuộc chính phủ vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, với áp lực ngày càng tăng trong việc nâng cao sản lượng điện, đầu năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã tính tới khả năng hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Điều này có thể mở ra cơ hội cho các nước như Mỹ hay Trung Quốc giành được chỗ đứng tại thị trường này bằng cách đầu tư và hỗ trợ cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Nguồn: Forbes, Rystad, DW, Energy Digital, China Daily