CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Có cần thêm gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Invest Global 14:55 30/07/2021

Theo TS. Cấn Văn Lực, có thể nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho DNNVV quy mô khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay khoảng 3-4%/năm. Thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng 1 năm; và áp dụng có trọng tâm, trọng điểm chứ không đại trà cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương...

TS. Cấn Văn Lực

Mặc dù đánh giá lãi suất cho vay hiện nay đã rất thấp, nhưng giới chuyên gia cho rằng, sức chịu đựng của doanh nghiệp đang ngày càng suy giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua. Có ý kiến đề xuất nghiên cứu các gói tín dụng với lãi suất rất thấp để hỗ trợ DNNVV. Phóng viên phỏng vấn TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia xung quanh đề xuất trên.

Theo ông, có cần thêm gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp dành cho DNNVV?

Bên cạnh triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, tôi cho rằng vẫn cần thiết hỗ trợ mạnh hơn nữa cho DNNVV - đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo tôi, có thể nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho DNNVV quy mô khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay khoảng 3-4%/năm. Thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng 1 năm; và áp dụng có trọng tâm, trọng điểm chứ không đại trà cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương...

Mức lãi suất trên tương đương lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng. Vậy, nguồn lực từ đâu để ngân hàng có thể cho vay với mức lãi suất thấp như vậy, thưa ông?

Theo tôi, nguồn lực hỗ trợ sẽ từ ngân sách Nhà nước. Giả sử lãi suất cho vay ngân hàng khoảng 7-8%/năm thì doanh nghiệp chỉ phải trả 3-4%/năm, còn lại ngân sách cấp bù. Nếu ngân hàng cố gắng giảm thêm được 1%/năm cho doanh nghiệp thì lãi suất ngân sách cấp bù giảm còn khoảng 3%/năm. Ước tính với gói tín dụng này, ngân sách cần phải chi khoảng 2.000 tỷ đồng hỗ trợ, con số này không quá lớn, nhưng sẽ rất tốt cho khối DNNVV. Đó là tăng khả năng tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi sẽ hỗ trợ cho DNNVV vượt qua cú sốc về dòng tiền, thanh khoản… Trên thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai chính sách này. Hơn thế, lần này những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid đã khá rõ ràng, từ đối tượng doanh nghiệp lẫn địa bàn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Do vậy, gói tín dụng này có đối tượng trọng tâm trọng điểm chứ không thực hiện cào bằng, đại trà như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009.

Liệu thời gian và quy mô gói tín dụng như trên có đủ để hỗ trợ cho các DNNVV khi dịch vẫn đang phức tạp?

Trước mắt, theo tôi, 1 năm là phù hợp. Trong giai đoạn tới nếu tình hình có thay đổi không được tích cực thì có thể gia hạn thêm giống như quy định kéo dãn thời gian cơ cấu lại các khoản nợ như tại Thông tư 03. Còn nếu trường hợp chương trình tiêm vắc-xin diễn ra trên diện rộng, dịch bệnh kiểm soát tốt lúc bây giờ có thể doanh nghiệp không cần vay nhiều nữa.

Tương tự, đối với quy mô gói tín dụng vẫn có thể cân nhắc thêm tuỳ tình hình thực tế. Giả sử gói tín dụng nâng lên 100 nghìn tỷ đồng, phần cấp bù lãi suất 3%/năm thì ngân sách Nhà nước tăng hỗ trợ khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Do đó, việc tăng quy mô gói tín dụng hay thậm chí có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng phải phụ thuộc nguồn lực của ngân sách. Nhưng trước mắt, theo tôi, gói tín dụng này ở mức 50-60 nghìn tỷ đồng là phù hợp. Quan trọng nhất là đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ như doanh nghiệp vận tải, du lịch gần như mất thanh khoản.

Có ý kiến cho rằng, cần thêm chính sách hỗ trợ đặc thù như khoanh nợ. Quan điểm của ông thế nào?

Về bản chất, khoanh nợ cho phép doanh nghiệp được tạm dừng trả nợ gốc hoặc lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Đến hết thời hạn hoãn nếu doanh nghiệp được khoanh nợ vẫn không trả được nợ, thì ngân sách phải bù. Việc này sẽ khó xác định đối tượng nhận hỗ trợ. Chưa nói đến cơ chế chi ngân sách cho khoanh nợ khó tạo được sự đồng thuận nhanh và hiệu quả.

Trong thời gian chờ đợi gói tín dụng mới, theo tôi, việc thực hiện các gói hỗ trợ hiện hành cần được triển khai nhanh gọn, trúng cũng là cách hỗ trợ rất hiệu quả, khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến chuyên gia