CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cổ phiếu đầu tư công trông chờ 'sóng' cuối năm

Invest Global 09:06 12/12/2024

Mặt bằng định giá của các doanh nghiệp trong nhóm đầu tư công đã giảm đáng kể sau giai đoạn thị trường trầm lắng, cùng việc giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ hơn tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu này, mang tới kỳ vọng xuất hiện “sóng”.

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu đầu tư công có diễn biến “lình xình” kéo dài, thậm chí giảm mạnh hơn thị trường.

Động lực mới

Một số cái tên có thể kể đến như HHV (Giao thông Đèo Cả), C4G (Cienco 4), CC1 (Xây dựng số 1)… ghi nhận mức giảm từ hơn 10-30% từ đầu năm đến nay.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, có nhiều yếu tố tác động đến nhóm cổ phiếu đầu tư công. Bối cảnh thị trường chung thời gian qua đi xuống, trong khi đầu tư công là nhóm bị đánh giá thấp nhất về hiệu quả sử dụng vốn, nên chưa có sức hút đối với nhà đầu tư.

-6846-1733908496.jpg

Nhóm cổ phiếu đầu tư công được kỳ vọng xuất hiện "sóng" cuối năm (Ảnh minh họa)

Ông Minh phân tích, đặc thù của doanh nghiệp đầu tư công là đòn bẩy tài chính lớn, thực hiện các dự án giải ngân vốn chậm dẫn đến chi phí tài chính cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp.

Cổ phiếu đầu tư công chỉ dành cho nhà đầu tư tài chính, họ sẽ vào khi có “sóng” và ra khi giá đạt mục tiêu; còn nhà đầu tư tích sản, đầu tư hưởng cổ tức lại không ưa thích loại cổ phiếu này, vì các chỉ số về khả năng sinh lời của doanh nghiệp không cao.

Yếu tố quan trọng tác động đến nhóm doanh nghiệp đầu tư công là câu chuyện giải phóng mặt bằng chậm và giải ngân vốn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án bị chậm do vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều dự án đối mặt với nguy cơ giá vốn bị đẩy lên cao so với giá dự toán do tiền bồi thường không còn như trước. Ngoài ra, thời điểm cuối năm 2023, nhiều dự án bị tồn đọng hồ sơ đến nay chưa được giải quyết. Vấn đề thanh, kiểm tra các dự án thời gian qua cũng ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, vì chủ đầu tư thận trọng hơn.

Tuy nhiên, sau thông tin Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam đã khiến giá các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công được nhà đầu tư chú ý.

Theo giới phân tích, với mức đầu tư lớn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó có ngành thép, khoáng sản, xi măng, xây dựng... Trong đó, các nhóm cổ phiếu thượng nguồn, bao gồm xây lắp và vật liệu xây dựng có thể nhận hiệu ứng tích cực sớm và nhanh nhất từ những thông tin mới.

Chờ sự tăng tốc

Ngoài tác động từ dự án đường sắt tốc độ cao, nhiều dự án đầu tư công trên cả nước đang có chuyển biến rõ rệt được cho là sẽ tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu đầu tư công trong giai đoạn cuối năm. Năm nay, khả năng đạt được mức giải ngân trên 85% kế hoạch là cao.

Trong khi đó, mặt bằng định giá của các doanh nghiệp trong nhóm đầu tư công hiện đã giảm đáng kể sau giai đoạn thị trường trầm lắng, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Hiện tại, cổ phiếu đầu tư công được nhận định sẽ không còn giảm quá sâu, mà có động lực để đi lên trong giai đoạn cuối năm, khi nhiều dự án lớn đang được thúc đẩy giải ngân.

Nhìn lại các năm trước đó, xu hướng giải ngân vốn đầu tư công thường diễn ra chậm ở nửa đầu năm và tăng tốc vào cuối năm. Thực tế, trong các giai đoạn trước, việc tăng tốc giải ngân đầu tư công của Chính phủ đã mang lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp hạ tầng.

Nhờ vào các chính sách đẩy mạnh đầu tư, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này không chỉ tăng trưởng mạnh, mà còn thu hút được sự quan tâm và dòng tiền từ thị trường. Đối với ngành hạ tầng, các chính sách đầu tư công có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh và khả năng phát triển dài hạn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn doanh nghiệp phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng năng lực tài chính, khả năng thực hiện dự án, cũng như mức độ rủi ro liên quan. Các yếu tố như nguồn cung vật liệu, giải phóng mặt bằng và tính minh bạch trong các dự án cần được xem xét kỹ để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

“Xu hướng tăng có thể đến với nhóm cổ phiếu đầu tư công trong thời gian tới, bởi đây vẫn là nhóm có câu chuyện riêng. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chọn lựa cổ phiếu của doanh nghiệp có nguồn vốn tự có tốt, ít dùng đòn bẩy tài chính, hiệu quả sử dụng vốn sẽ cao hơn, lợi nhuận tốt hơn”, ông Nguyễn Thế Minh khuyến nghị.

Chứng khoán KB Việt Nam nhận định đầu tư công sẽ là nhóm ngành đáng theo dõi trong năm 2025 khi nhiều dự án trọng điểm sẽ tới thời hạn hoàn thành và nghiệm thu. Các doanh nghiệp có giá trị hợp đồng đã ký (backlog) lớn đảm bảo tiến độ triển khai, chất lượng theo yêu cầu có thể ghi nhận doanh thu cao.

Giao thông Đèo Cả được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2024 - 2025 nhờ sở hữu 3 trạm thu phí được chấp thuận tăng giá vé. Lưu lượng xe qua trạm cải thiện nhờ hoàn thiện cơ bản các dự án hạ tầng đường bộ và các gói thầu hạ tầng giao thông lớn bước vào giai đoạn thi công hạng mục chính.

CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) cũng có động lực tăng trưởng dài hạn, nhất là khi có giá trị backlog thuộc nhóm lớn nhất trong ngành xây dựng. Trong quý III/2024, liên danh của Vinaconex trúng gói thầu 4.7 trị giá 6.300 tỷ đồng và gói thầu 4.8 trị giá hơn 11.000 tỷ đồng nằm trong khuôn khổ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đối với Cienco 4, hoạt động kinh doanh của công ty giai đoạn 2024 - 2025 được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả khả quan nhờ sự cải thiện của mảng xây lắp với lượng backlog dồi dào và tiềm năng bứt tốc từ mảng BOT khi giá vé cũng như lưu lượng xe qua trạm tăng. Cơ cấu tài chính cải thiện sẽ tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong giai đoạn cần tự chủ nguồn vốn sắp tới.

Hải Giang