CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khởi sắc tiến độ trên công trường cao tốc Bắc - Nam

Invest Global 15:24 13/12/2024

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương quyết liệt vào cuộc để giải quyết triệt để việc nguồn vật liệu còn thiếu, công suất khai thác chưa đáp ứng, cũng như tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 để hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

(TBTCO) - Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương quyết liệt vào cuộc để giải quyết triệt để việc nguồn vật liệu còn thiếu, công suất khai thác chưa đáp ứng, cũng như tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 để hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

Khởi sắc tiến độ trên công trường cao tốc Bắc - Nam

Dự án cao tốc Vũng Áng - Bùng là một trong những dự án có sản lượng và tiến độ thi công tốt. Ảnh: Văn Minh

Sản lượng thực hiện khoảng hơn 58.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tính đến nay, sản lượng thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 dài 721,2km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố đạt khoảng 58.721 tỷ đồng đạt 60,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, có một số dự án có sản lượng và tiến độ thi công tốt như: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.

Còn lại một số dự án do mới được bàn giao đủ mặt bằng, điều kiện thời tiết bất lợi như dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, hoặc mới cơ bản xác định đủ nguồn cung vật liệu đắp nền đường như dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Ngoài ra, hiện tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch hàng năm cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 là 93.630 tỷ đồng (năm 2022 là 9.521 tỷ đồng; năm 2023 là 47.881 tỷ đồng, năm 2024 là 36.228 tỷ đồng). Tính riêng năm 2024, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã giải ngân được 28.967/36.228 tỷ đồng đạt khoảng 79% kế hoạch giao.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện các dự án cao tốc có mặt bằng đủ điều kiện thi công được khoảng 720,94/721,25km đạt 99,96%; phần mặt bằng còn lại (0,19km) chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp. Đặc biệt, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (chủ yếu là đường điện cao thế) được các địa phương khẩn trương thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay đã hoàn thành di dời 247/256 vị trí, còn lại 09/256 vị trí đang di dời, trong số đó có 3 vị trí trí đường điện cao thế 220-500kV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nằm trong phạm vi xử lý nền đường đất yếu, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đặc biệt, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhu cầu cát còn lại để hoàn thành công tác đắp gia tải đến tháng 12/2024 theo kế hoạch khoảng 3,9 triệu m3, mặc dù đã xác định đủ nguồn cung nhưng công suất khai thác còn hạn chế do các vướng mắc, hiện đạt trung bình 36.000m3/ngày (cát sông 26.000m3/ngày, cát biển 10.000m3/ngày), trong khi nhu cầu khoảng 86.000m3/ngày.

Giải quyết triệt để việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng

Cũng theo Bộ GTVT, mặc dù các địa phương đã phối hợp cùng các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các thủ tục liên quan đến cấp mỏ cát cho các dự án, tuy nhiên, chưa đáp ứng tiến độ thi công cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang hoàn thiện thủ tục 2,6 triệu m3 (tỉnh Tiền Giang 0,6 triệu m3, tỉnh Bến Tre 2 triệu m3); chưa xác định nguồn 2,6 triệu m3 (tỉnh Vĩnh Long 1,2 triệu m3, tỉnh Tiền Giang 1,4 triệu m3).

Còn dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong đó: Dự án thành phần 1 phía tỉnh An Giang chưa xác định nguồn 3 triệu m3. Dự án thành phần 2 tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thủ tục 2,7 triệu m3; chưa xác định nguồn 1,85 triệu m3. Dự án thành phần 3 tỉnh Bến Tre đang thực hiện thủ tục 3,4 triệu m3. Dự án thành phần 4, đối với cát sông, tỉnh Sóc Trăng đang hoàn thiện thủ tục 2,9 triệu m3, đối với cát biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện thủ tục giao khu vực biển.

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện thủ tục 5,8 triệu m3 (tỉnh Tiền Giang 3,8 triệu m3; tỉnh Bến Tre 2 triệu m3); tỉnh Tiền Giang đang rà soát bổ sung thêm nguồn 1,1 triệu m3; Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang thực hiện thủ tục 0,95 triệu m3 (tỉnh Đồng Tháp 0,3 triệu m3, tỉnh Tiền Giang 0,65 triệu m3).

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện thủ tục cấp mỏ 3,8 triệu m3. Tại Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai chậm trong triển khai, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đất đắp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai triển khai thủ tục cấp mỏ, chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch hoàn thành các dự án. Các địa phương có mỏ cát đắp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bố trí tối đa các mỏ để cung cấp cho dự án nhưng công suất vẫn chưa đáp ứng kế hoạch. Nếu không có sự quyết tâm, nỗ lực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vật liệu xây dựng sẽ khó hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện thủ tục cấp phép trong tháng 12/2024 để cung ứng cho các dự án, ưu tiên cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tiến độ hoàn thành vào năm 2025. Tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ đất đắp cho nhà thầu tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu bảo đảm khai thác trong tháng 12/2024.

Sớm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án

Nhằm hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, Bộ GTVT cam kết tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án; xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án.