CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Còn dư địa giảm, vì sao lãi suất vẫn neo cao?

Invest Global 09:32 17/02/2023

Việt Nam có dư địa giảm lãi suất, nhưng hiện nay mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức tương đối cao. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Các chuyên gia cho rằng, trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung thế giới, Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế khi các điều kiện bên ngoài cho phép.

Duy trì lãi suất cao để tăng dự trữ ngoại hối?

Mặt bằng lãi suất hiện đang duy trì ở mức tương đối cao. Nhiều doanh nghiệp, người đi vay đang mong chờ lãi suất giảm vì đã quá sức chịu đựng.

Lãi suất huy động cao, kéo theo lãi suất cho vay tăng chóng mặt, có trường hợp chỉ sau hơn nửa năm mà lãi suất cho vay đã tăng 40 - 60% so với lãi vay ban đầu khiến người vay "méo mặt".

Cuối năm 2022 có thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền 3.312 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm làm nhiều người đi vay khấp khởi, thế nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy lãi suất giảm.

-4498-1676532582.jpg

Mặt bằng lãi suất hiện đang duy trì ở mức tương đối cao. Nhiều doanh nghiệp, người đi vay đang mong chờ lãi suất giảm vì đã quá sức chịu đựng.

Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên giảm lãi suất điều hành để tạo xu hướng giảm lãi suất trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có dấu hiệu cho thấy nhà điều hành sẽ điều chỉnh lãi suất.

Tại Tọa đàm Điểm sáng đầu tư năm 2023 vừa được tổ chức, PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế - vĩ mô, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng không loại trừ trường hợp NHNN đang muốn có điều kiện thuận lợi hơn trong việc mua vào đồng ngoại tệ. Bởi khi giữ lãi suất VND ở mức cao, VND sẽ hấp dẫn hơn và nhà điều hành sẽ dễ dàng mua vào đồng ngoại tệ hơn. "Đó cũng có thể là một trong những chủ đích mà cơ quan điều hành đang thực hiện", ông Phạm Thế Anh nêu vấn đề.

Trong thời gian tới, nếu NHNN thành công trong việc tích trữ được lượng ngoại tệ tương đối khá, theo ông Phạm Thế Anh, chúng ta có thể kỳ vọng điều kiện của thị tường tiền tệ "dễ chịu hơn". Bởi mua vào ngoại tệ, tức là cung nội tệ cũng diễn ra, khi đó NHNN có nhiều dư địa hơn để hạ lãi suất tiền đồng. 

"Theo quan điểm của tôi, với tỷ giá và sức ép lạm phát năm 2023, mức lãi suất huy động chỉ 7 - 8%/năm là phù hợp so với mức 9 - 10%/năm như hiện nay", PGS.TS Phạm Thế Anh nói.

Trong Báo cáo phân tích vĩ mô mới công bố, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán BSC cho biết, giá trị VND trên đà hồi phục trở lại và tiếp tục tăng trong tháng 1/2023. Tính đến 31/1/2023, VND đã tăng giá 2,73% so với thời điểm cuối năm 2021, thu hẹp từ mức giảm 9,17% hồi cuối tháng 9/2022.

Đáng chú ý, theo cập nhật từ Chứng khoán BSC, NHNN bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023 và tính riêng trong tháng 1 đã mua thêm 2,78 tỷ USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối hiện tại đạt khoảng 91,78 tỷ USD.

“Chúng tôi kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 89 tỷ USD", VNDirect dự báo.

Trông vào xu hướng của lạm phát

Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN nhiều lần khẳng định mục tiêu trong năm nay là điều hành chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Điều này có thể hiểu rằng, chính sách tiền tệ có nới lỏng hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng lạm phát trong thời gian tới.

Thông thường, đứng trước sức ép lạm phát hay sức ép từ lãi suất bên ngoài, NHNN thường ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ và chống lạm phát, thay vì thả nổi tỷ giá để đồng nội tệ mất giá quá nhiều. Với quan điểm thận trọng hiện nay, NHNN sẽ hành động chỉ khi nào tín hiệu lạm phát giảm và nguy cơ tăng lãi suất từ bên ngoài xuống thấp nhất. 

Theo nhận định của PGS.TS Phạm Thế Anh, Việt Nam có dư địa giảm lãi suất. Điều kiện cho phép ở đây là lạm phát của Việt Nam đang ở vùng tương đối thấp (trung bình trong năm qua khoảng 3,15%). Tuy nhiên, bước sang quý I/2023, lạm phát lên tới đỉnh điểm (tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước) của năm. Do đó, từ tháng 2 trở đi sẽ giảm dần và xuống khoảng 3 - 3,5% trong vòng 2, 3 tháng tới. “Vì vậy, lạm phát không phải là vấn đề quan ngại, gây sức ép để Việt Nam tăng lãi suất", ông Phạm Thế Anh cho hay.

Bên cạnh đó, năm 2023, dự kiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất 2 lần, sau đó sẽ dừng lại. "Sức ép để Việt Nam tăng lãi suất bao gồm lạm phát và lãi suất từ bên ngoài rất ít. Do vậy, lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức đỉnh và trên đà đi xuống. Tuy nhiên, lãi suất giảm nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành. Nếu thận trọng, họ có thể quan sát cho đến khi lạm phát của Việt Nam rõ ràng hơn vào tháng 2, hoặc tháng 3 năm nay và đợi cho tín hiệu rõ ràng của việc Fed dừng tăng lãi suất (khoảng tháng 5 năm nay), lúc đó nhà điều hành có thể bắt đầu hạ lãi suất ở Việt Nam. Nếu nhà điều hành lạc quan hơn, có thể giảm lãi suất sớm hơn", PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Áp lực từ Fed và lạm phát trong nước đã giảm, trong nước VND vẫn tương đối hấp dẫn, khả năng mất giá của VND tương đối ít; cán cân thương mại của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể duy trì thặng dư. Do đó, thâm hụt thương mại sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá.

Huyền Anh