CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Điện gió ngoài khơi của Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt

Invest Global 08:16 29/07/2021

(Xây dựng) – Báo cáo mới của Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) và nhóm Tham vấn Năng lượng tái tạo cho thấy, Việt Nam đang có cơ hội lớn để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi trong 10 năm tới.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi sẽ đạt từ 2-3GW và chiếm từ 1,45%–2% trong tổng công suất điện đến năm 2030.

Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) hợp tác với nhóm Tham vấn Năng lượng tái tạo phát hành báo cáo “Chuyển đổi trong tương lai của Việt Nam sang điện gió ngoài khơi - Bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất từ quốc tế”. Báo cáo rút ra từ các nghiên cứu điển hình toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm tăng cường tăng trưởng lâu dài và bền vững cho điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Với tiềm năng tài nguyên nằm trong top đầu thế giới và nhu cầu điện gia tăng nhanh chóng, Việt Nam sẵn sàng trở thành quốc gia dẫn đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới. Nhưng các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn thực sự sẽ không được kết nối vào lưới điện quốc gia, sớm nhất là cho đến năm 2026. Chính vì vậy, GWEC cho rằng, Việt Nam cần phải giải quyết một số vướng mắc trong chính sách và quy định để bảo vệ, phát triển các dự án đầu tư.

Trong đó, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII có thể được nâng từ 2GW lên 10GW để tối đa hóa lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường từ điện gió ngoài khơi. Dự kiến, Quy hoạch Điện VIII có thể được hoàn thiện và phê duyệt vào cuối năm nay.

Giám đốc GWEC khu vực châu Á Liming Qiao cho biết: “GWEC đang kêu gọi Chính phủ Việt Nam khẩn trương áp dụng giai đoạn chuyển đổi đối với điện gió ngoài khơi, kết hợp với quá trình tham vấn có hệ thống và cởi mở về mua bán và đấu giá điện trong tương lai. Việt Nam chỉ còn chưa đầy 10 năm để đạt được các mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII vào năm 2030. Bây giờ là thời điểm thuận lợi để bắt đầu quá trình tham vấn rộng rãi hơn và xem xét nâng tham vọng lên 10GW vào năm 2030. Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn quan trọng để biến điện gió ngoài khơi trở thành trụ cột trong hệ thống điện trong tương lai”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Nhóm Tham vấn Năng lượng Tái tạo Michael Stephenson chia sẻ: “Chúng tôi đã thấy các quốc gia học cách đưa đấu giá vào chính sách điện gió ngoài khơi theo nhiều cách khác nhau… Nhìn chung, một cách tiếp cận phối hợp hiệu quả hơn là rất quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần xem xét sự tương tác của chính sách đấu giá với các yếu tố khác như niềm tin của nhà đầu tư và việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, đảm bảo thực hiện một giai đoạn chuyển đổi phù hợp để chuyển sang một cơ chế mới”.

Báo cáo của GWEC rút ra bài học kinh nghiệm của 6 khu vực địa lý trong việc chuyển đổi từ cơ chế hỗ trợ điện gió ngoài khơi sang cơ chế cạnh tranh, bao gồm: Đan Mạch, Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Đài Loan. Mỗi nghiên cứu cụ thể sẽ phác thảo các khuôn khổ chính sách được áp dụng để định hướng quá trình chuyển đổi, thời gian của các chương trình mua bán khác nhau và ảnh hưởng của chúng tới công suất lắp đặt trên thị trường điện gió ngoài khơi.

Trưởng phòng Chính sách và Dự án của GWEC Joyce Lee, cho biết “Bài học kinh nghiệm toàn cầu đã đưa ra các khuyến nghị đắt giá cho ngành điện gió ngoài khơi còn non trẻ của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm quan trọng này khi mà các quyết định về hệ thống năng lượng của quốc gia sẽ tạo ra sự khác biệt về một tương lai sử dụng năng lượng sạch và hạn chế phát thải carbon”.

“Báo cáo mới đưa ra một số khuyến nghị cụ thể trước mắt về thời gian và quá trình chuyển đổi cơ chế biểu giá FIT cho điện gió ngoài khơi, khuôn khổ lập kế hoạch, thiết kế đấu giá và hơn thế nữa”.

Cụ thể, GWEC đã khuyến nghị về một giai đoạn chuyển đổi trong vài năm tới. Trong đó, cơ chế biểu giá FIT cho điện gió ngoài khơi được đặt ra để áp dụng cho 4-5GW điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Việt Nam. Song song với đó là việc Chính phủ cần tiến hành nghiên cứu kỹ thuật về thiết kế đấu giá. Các cuộc đấu giá có thể được công bố sớm nhất vào năm 2024 theo mô hình chuyển đổi này.