CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo

Invest Global 10:22 31/07/2024

Không chỉ dẫn đầu về số vốn FDI đăng ký, số vốn FDI giải ngân của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dẫn đầu trong 7 tháng năm 2024.

Chiếm gần 80% vốn FDI thực hiện

Một trong những điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 7 tháng đầu năm của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây, trong tổng số 18 tỷ USD vốn FDI mà Việt Nam thu hút được trong 7 tháng năm 2024, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thì có tới trên 12,6 tỷ USD tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 70% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.

FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam thu hút 18 tỷ USD trong 7 tháng (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Đáng chú ý, vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế trong tất cả các hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2024 có 1.816 dự án FDI được đăng ký cấp mới tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,88 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn FDI đầu tư mới vào Việt Nam. Các ngành còn lại chỉ chiếm 26,8% tổng vốn.

Với vốn FDI đăng ký điều chỉnh, 7 tháng ghi nhận có 734 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,35 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng có 1.795 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,27 tỷ USD. Trong đó, có 689 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,03 tỷ USD; 1.106 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,24 tỷ USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 759,6 triệu USD, chiếm 33,5% giá trị góp vốn; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 422,5 triệu USD, chiếm 18,6%; các ngành còn lại 1,09 tỷ USD, chiếm 47,9%.

Không chỉ chiếm ưu thế trong tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, vốn FDI giải ngân thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm ưu thế. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bảy tháng trong 5 năm qua.

Trong đó, vốn FDI thực hiện thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,98 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện. Kết quả này bỏ xa vị trí xếp thứ 2 là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 9,1%.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy công nghiệp

Đánh giá về sức hấp dẫn nguồn vốn FDI với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Việt Nam có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tập vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Thực tế, cũng có nhiều dự án FDI lớn của những tập đoàn toàn cầu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.

“Đây là một tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam, đồng thời hiện thực hoá mục tiêu trở thành thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng khoá XIII xác định” – ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, việc thu hút FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp cũng giúp lan toả đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển nguồn lao động chất lượng cao liên quan đến công nghiệp.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận trước đây FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều là do giá thuê đất và những chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hợp lý, có chính sách thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu tốt, lao động giá rẻ, quản lý môi trường chưa chặt chẽ…

Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng cần có những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi sẽ phải tham gia sâu hơn và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn để doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi. Do đó, bên cạnh số lượng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực này, làm sao để thu hút được những dự án có chất lượng. Và đặt ra câu hỏi, dự án đó có mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam hay không?

Theo đó, để dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...