CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM cần hơn 675.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông

Invest Global 15:44 26/09/2021

Nhàđầutư Do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách hạn hẹp cũng như TP.HCM đang “gánh” thêm các chi phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, thời gian tới để phát triển các nhóm dự án giao thông, TP.HCM cần hơn 675.000 tỷ đồng.

Nội dung được Sở GTVT TP.HCM đề cập trong văn văn bản gửi UBND TP.HCM về việc xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông.

Theo Sở GTVT, thời gian qua dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, dự báo nguồn thu ngân sách TP.HCM trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Còn các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cũng chỉ đang từng bước hoạt động trở lại.

Thêm vào đó, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách chỉ có hơn 142.000 tỷ đồng, con số này là không đủ. Tính toán của Sở GTVT cho thấy, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này cần hơn 675.000 tỷ đồng để phát triển các nhóm dự án giao thông. Trong đó, hơn 70.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại hơn 605.000 tỷ đồng sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng các hình thức xã hội hoá, vốn ODA.

Do đó, Sở GTVT cho rằng, việc bố trí nguồn vốn ngân sách TP.HCM đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI trong giai đoạn 2021-2025 khó đảm bảo cân đối. Đặc biệt là các dự án Vành đai 2, 3, 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...

Trong điều kiện nguồn lực ngân sách TP.HCM chưa đủ đáp ứng nhu cầu, Sở xây dựng danh mục dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Theo danh mục kêu gọi đầu tư, có 35 dự án giao thông quan trọng sắp tới sẽ triển khai như: Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tuyến Vành đai 3, nâng cấp QL1 đoạn ở huyện Bình Chánh, đường song song QL 50, đường trên cao số 1, 5 và đường trên cao Bắc - Nam (từ đường Cộng Hòa - Nguyễn Văn Linh)… Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất ưu tiên xây dựng 4 dự án xây cầu lớn gồm: Cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Qưới - Rạch Chiếc.

Trong giai đoạn này, TP.HCM cần tập trung đầu tư các tuyến Metro số 2, 3a, 3b, 4, 4b, 5, 6, tuyến xe điện mặt đất số 1, tàu điện một ray (Monorail) số 2, 3; các dự án xây dựng cảng đường thuỷ, công trình bến bãi giao thông và dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, thuộc nhóm công trình chương trình đô thị thông minh.

Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; đề nghị bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để đơn vị chuẩn bị dự án sớm thực hiện các bước lập, đề xuất dự án; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi...

Sở QH-KT TP.HCM là đơn vị chủ trì, phối hợp các sở ngành nghiên cứu phát triển quỹ đất, kết hợp chỉnh trang và phát triển đô thị dọc tuyến giao thông mới, tạo nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Môi trường kinh doanh