CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hiệu quả hoạt động gắn liền với năng lực quản trị

Invest Global 11:03 24/12/2021

Việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của TCTD là một trong nội dung, yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Hội thảo khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu đề tài “Quan hệ giữa quản trị ngân hàng với hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam” do Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp với Nhóm nghiên cứu đề tài tổ chức ngày 23/12/2021, ThS. Phan Minh Anh - Thư ký Nhóm nghiên cứu chia sẻ, kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những thay đổi rõ rệt hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng qua từng giai đoạn trong những năm gần đây nhờ quản trị rủi ro tốt.

Năm 2006 - 2011, ngành Ngân hàng tăng trưởng nhanh cả về số lượng và quy mô tài sản, nhưng quản trị rủi ro hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Trước thực trạng nhiều TCTD gặp khó khăn về thanh khoản, nợ xấu cao, tới giai đoạn 2012 - 2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 ban hành “Đề án xử lý nợ xấu”. Các giải pháp được các TCTD triển khai nghiêm túc, đồng bộ, từng bước kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD. Hiệu quả kinh doanh cải thiện thể hiện qua chỉ số về ROA, ROE có xu hướng tăng. Nhất là CAR luôn cao hơn mức quy định, nợ xấu xu hướng giảm dần qua các năm.

hieu qua hoat dong gan lien voi nang luc quan tri Nhóm nghiên cứu cho rằng, nâng cao hiệu quả hoạt động sẽ gia tăng khả năng chống đỡ của ngân hàng khi có các cú sốc xảy ra

Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, kết quả kinh doanh hệ thống các TCTD đạt tăng trưởng khá, hầu hết ngân hàng áp dụng CAR theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II, có 18 NHTM đã áp dụng trước hạn NHNN quy định. Giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016-2020 ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua từng năm, từ 1,99% (2017) xuống 1,9% (2018) và 1,63% (vào cuối năm 2019). Tuy tác động của dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 tăng lên mức 1,69%. Giai đoạn từ 2014 đến nay cũng chứng kiến những thay đổi điều chỉnh trong pháp lý về quản trị ngân hàng, tập trung chủ yếu ở việc sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD năm 2017, sự ra đời của Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn… “Có thể nói, tiến trình tái cơ cấu với những giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, cùng với kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu phát sinh đã giúp nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống”, đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá.

Tuy có những điểm sáng, song kết quả đánh giá theo nguyên tắc quốc tế chỉ ra rằng thực tiễn quản trị NHTMCP Việt Nam vẫn còn những hạn chế như vai trò của HĐQT chưa hiệu quả trong xây dựng văn hoá kinh doanh, việc sở hữu nước ngoài nhỏ và ít ảnh hưởng đến thay đổi quản trị. Hay việc các uỷ ban rủi ro thuộc HĐQT hay các uỷ ban hỗn hợp quản trị và quản lý dù được thành lập nhưng ít có cái nhìn toàn diện về hồ sơ rủi ro, hầu hết mới chỉ tập trung về rủi ro tín dụng…

Việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của TCTD là một trong nội dung, yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 phải tăng cường năng lực quản trị, điều hành và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng; tập trung xử lý các vấn đề liên quan tới sở hữu ngân hàng và hoạt động của các NHTM Nhà nước. Liên quan tới vấn đề mở rộng sở hữu nước ngoài trong khu vực ngân hàng, nhóm nghiên cứu nhận thấy nên xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài gia tăng sở hữu một cách hợp lý đối với các ngân hàng trong nước, để hình thành các định chế có quy mô lớn và năng lực quản trị tốt hơn.

Đối với cơ quan quản lý, Nhóm nghiên cứu đề xuất NHNN xem xét ban hành Bộ nguyên tắc về quản trị ngân hàng dựa trên cơ sở Bộ nguyên tắc về quản trị ngân hàng của BIS; Thúc đẩy định hướng hình thành các NHTMCP có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh cao... Với các NHTM, nhóm nghiên cứu cũng đề cập việc tăng cường tính chuyên nghiệp của HĐQT, trong đó có việc tăng cường đào tạo cho thành viên HĐQT, Ban Điều hành, Ban kiểm soát các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và trong nước về quản trị. Chung quan điểm, đại diện phía Hiệp hội Ngân hàng cho rằng đề xuất này là xác đáng và cần thiết vì văn hoá doanh nghiệp, quản trị công ty đều phải xuất phát từ lãnh đạo, từ bên trên, từ đó mới lan toả được tới các bộ phận, phòng ban và tới từng nhân viên. Tuy vậy, cần phải nghiên cứu hình thức đào tạo đối với nhóm đối tượng này sao cho phù hợp với thực tế, điều kiện thời gian và hiệu quả mang lại.

Đại diện Agribank cũng bàn tới tầm quan trọng của việc công bố thông tin, vì đây là việc cần thiết để có thể duy trì uy tín lâu dài của mỗi ngân hàng. Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng TS.Phạm Minh Tú, các thông tin quản trị công ty và của các NHTM cần công khai minh bạch, và NHNN cũng nên cân nhắc quy định về việc công khai thông tin như thế nào, điều chỉnh thời lượng và phạm vi cho phù hợp… tăng tính kỷ luật thị trường.