CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hơn 9 tháng, tín dụng mới tăng 4,71%

Invest Global 16:30 21/09/2020

Theo số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến 11/9, tăng trưởng tín dụng đạt 4,71% và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên.

Tín dụng đang tăng trưởng thấp nhất trong những năm gần đây, song vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp... (Ảnh minh họa: Int)

Cụ thể, dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 5%; cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 4,5%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 3,5%... so với cuối năm 2019.

Đáng chú ý, các ngân hàng đã, đang dành một lượng vốn ưu đãi lớn đầu tư giúp doanh nghiệp sớm hồi phục, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực hiện ở mức 5,0%/năm. Tuy nhiên, đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay vẫn còn tương đối cao, dao động từ khoảng 7 - 10%/năm.

Với USD, lãi suất huy động đang được Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Sở dĩ lãi gửi USD bằng 0% xuất phát từ chủ trương chống đô la hóa, hạn chế huy động, cho vay ngoại tệ để chuyển dần sang quan hệ mua - bán. Đối với lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0 - 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6,0%/năm.

Để có được mức lãi suất huy động cho vay thấp như hiện nay, các ngân hàng phải cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận và hạ lãi suất huy động. 

Theo đó, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,7 - 4,1%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4 - 6,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,1%/năm.

Điển hình Techcombank lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tại ngân hàng chỉ còn 2,65-3%/năm, giảm 0,2% so với trước đó. Các ngân hàng có vốn nhà nước cũng đang huy động với mức rất thấp. Đơn cử như Vietcombank huy động từ 3,3%/năm - 4,2%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng. Trong khi đó, 3 ngân hàng BIDV, VietinBank, Agribank huy động ở mức 3,5% - 4,4%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng.

Theo đó, lãi suất huy động cao nhất thuộc về một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ. Đơn cử, NCB đang duy trì lãi suất bình quân tại các kỳ hạn cao nhất trong hệ thống với kỳ hạn 1 - 3 tháng là 4,15%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 7 - 7,3%, kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,3 - 7,7%/năm.

Xu hướng sắp tới, theo dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân chính là do cuối tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố sẽ duy trì mức lãi suất thấp quanh 0% đến năm 2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Động thái này của Fed chắc chắn sẽ tác động mạnh tới chính sách tiền tệ của tất cả các quốc gia, ngân hàng T.Ư các nước cũng sẽ phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất chung theo hướng giảm xuống.

Hoàng Hà