CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin có 62 nhà máy điện gió, không kịp vận hành thương mại, hòa lưới trước ngày 1/11 để hưởng giá mua điện cố định (giá FIT). Theo Quyết định 39 ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm.
Vẫn chờ... chính sách mới
Vì vậy, việc không được hưởng giá ưu đãi sẽ là thiệt thòi lớn cho nhà đầu tư, nhất là khi Bộ Công Thương khẳng định không gia hạn giá FIT mà sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Nhà đầu tư điện gió như "bơi giữa biển" vì chưa biết bao giờ thu hồi được vốn đầu tư. |
Chia sẻ với VnBusiness, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, cho biết địa phương này có 3 dự án điện gió với tổng công suất 30 MW không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11. Suất đầu tư trung bình của 1W điện gió khoảng 1,4 triệu USD.
Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận kiến nghị Chính phủ nên gia hạn giá FIT cho các dự án chậm tiến độ, áp dụng giá FIT này cho đến khi có cơ chế đầu thầu được ban hành.
"Chủ đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án, mà đến nay cơ chế đấu thầu vẫn chưa được Bộ Công Thương ban hành, không bán được điện, không có dòng tiền về. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu, không thể trả nợ, lãi vay ngân hàng thì đến hẹn", ông Thịnh giãi bày.
Liên quan đến phương án xử lý với 62 dự án không được hưởng giá FIT, ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), cho biết đến giờ này vẫn chưa thấy Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể về cách thức, quy trình đấu thầu: "Đáng lẽ ra, cơ quan chức năng phải cho doanh nghiệp biết cụ thể chính sách dành cho họ trong thời gian tới để họ có động lực hoàn thiện dự án. Bộ Công Thương nói là sẽ đấu thầu, nhưng chưa có gì cụ thể cả".
"Khung đấu thầu phải chờ Bộ Công Thương đưa ra quy định về giá, về điều kiện. Tuy nhiên, chắc chắn không có lợi như giá FIT", ông Thiện nói, vì Quyết định 39 của Thủ tướng được hiểu ngầm là ưu đãi về giá.
Theo Chủ tịch VCEA, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ chủ yếu là do dịch COVID-19. Vì vậy, cần cho tất cả dự án chậm tiến độ mà đã được ký hợp đồng mua bán điện với EVN được gia hạn thời gian ưu đãi từ 3 - 6 tháng. Đây cũng là chính sách nhân văn, hỗ trợ nhà đầu tư trong thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh. Nếu qua mốc này mà nhà đầu tư không làm được thì chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Dưới góc độ nhà đầu tư có dự án điện gió không được hưởng ưu đãi, ông Hoàng Giang, Tổng giám đốc Điện gió Sunpro Bến Tre, khẳng định doanh nghiệp này đã cố gắng hết sức để về đích, chứ không thụ động. Theo đó, doanh nghiệp đã nhập toàn bộ trụ điện gió từ trước lúc COVID-19 xảy ra...
Cụ thể, ông Giang cho biết đến nay dự án đã hoàn thiện được khoảng 70-75%. Vốn đầu tư khoảng 56 triệu USD (tương đương hơn 1.200 tỷ đồng). Với cơ chế đấu thầu, nếu EVN giảm giá mua điện xuống 12% thì coi như lợi nhuận của dự án này sẽ tiêu tan, thậm chí là thua lỗ.
Duy trì cơ chế giá FIT hay đấu thầu?
Đặc biệt, trong lúc chờ Bộ Công Thương ban hành quy định về đấu thầu, doanh nghiệp dù có hoàn thiện dự án cũng không thể bán điện, không có doanh thu, trong khi nợ lãi vay ngân hàng, vốn gốc vẫn phải trả.
"Dịch COVID-19 đã làm phát sinh rất nhiều khó khăn, từ việc vận chuyển vật tư, trang thiết bị cho tới tiến độ xây dựng, thi công. Chưa kể, COVID-19 còn là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể thu xếp vốn như dự tính", ông Giang cho hay.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, cảm giác lúc này của ông giống như "đang bơi ở biển, không biết bờ là đâu". Doanh nghiệp vẫn đang cố gắng để duy trì hoạt động, đảm bảo công ăn việc làm cho 500 - 600 lao động nhưng nếu không có cơ chế rõ ràng trong thời gian tới thì có lẽ nguy cơ phá sản sẽ trở thành hiện thực.
Liên quan tới vấn đề này, tỉnh Ninh Thuận mới đây đề xuất cấp có thẩm quyền gia hạn thêm giá FIT với điện gió đến tháng 3/2022. Trước đề xuất như vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Còn theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh nghiệp xin kéo dài thời gian hưởng giá FIT, việc gia hạn hay không, gia hạn đến mức nào cần được cơ quan chức năng xem xét để hợp tình, hợp lý. Xây dựng giá ưu đãi cho năng lượng tái tạo là một nghệ thuật".
Về vấn đề đấu thầu, ông Thiên lưu ý cần phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên. Việt Nam có nguồn tài nguyên, điều kiện thiên nhiên tốt để phát triển năng lượng tái tạo, có thể biến vùng nghèo đói nhất trở nên giàu có. Do vậy, cần phải thay đổi tư duy phát triển, thay đổi cách tiếp cận về nguồn lực phát triển để phát triển đất nước.
"Tận dụng tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo thế nào, giá FIT hay đấu thầu, cách tiếp cận cần mang tính định hướng, đảm bảo lợi ích của đất nước", ông Thiên nhấn mạnh.
Về định hướng phát triển năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng thời gian tới sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, chọn dự án. Chủ đầu tư các dự án (trừ một số trường hợp đặc biệt quy định trong Luật) sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu, thực hiện sau bước phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) và đàm phán với EVN về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên giữ giá FIT để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Bà Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần dự án 4E - EVEF, chương trình Năng lượng GIZ khuyến nghị: "Việt Nam cần chính sách ổn định với tầm nhìn dài hạn để hấp dẫn, củng cố niềm tin với nhà đầu tư. Thời gian tới, thay vì triển khai giá FIT từ Bắc - Nam, thì nên có cơ chế giá FIT theo vùng, theo công suất lắp đặt".
Nhật Linh