CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kết nối cung cầu hai miền Nam - Bắc: Cần đánh giá lại mặt hàng thiết yếu

Invest Global 07:43 31/07/2021

Các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ nữa mà phải chú trọng đến cả khối sản xuất. Không uống cà phê không sao nhưng người sản xuất cà phê sẽ bị ảnh hưởng...

Chiều 29/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt hai miền Nam – Bắc trong điều kiện giãn cách phòng, chống Covid-19”, được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

CẦN ĐÁNH GIÁ LẠI MẶT HÀNG THIẾT YẾU

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin về sản lượng cây trồng các tỉnh phía Nam trong tháng tới. Theo đó, tháng 8/2021 thu hoạch 700.000 ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo.

Trong tháng 8 có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhu cầu chỉ khoảng 500.000 tấn nên phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Về trái cây, có khoảng 640.000 tấn trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ bao gồm: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phản ánh, “đau đầu” nhất ở tỉnh An Giang lúc này là làm sao tiêu thụ được trái chanh. Hiện chanh đang thu hoạch rộ, nhưng không bán được, giá chanh chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.

Vấn đề thứ hai là lúa, hiện tỉnh còn 140.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch, với sản lượng khoảng 800.000 tấn. Một số kho như Tổng Công ty lương thực lại giảm sức mua. Điều này khiến thương lái tạm ngưng việc thu mua.

Tỉnh An Giang rất lo vì hiện nay có hàng nghìn ha lúa cần thu hoạch mỗi ngày. Yêu cầu sản xuất trong mùa dịch cần đảm bảo 3 tại chỗ. Nhưng điều ấy lại khiến công nhân ngại làm, khiến nhà máy xay xát khó hoạt động, và không thể dự trữ.

Do đó, ông Thọ kiến nghị hai vấn đề. 

Một là hoạt động sản xuất nông nghiệp nên được xem là thiết yếu, cần được ưu tiên. Cần có chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ bởi một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này. Nếu không, người dân sẽ xuống giống muộn vụ Thu Đông. 

Hai là lực lượng vận chuyển, thương lái cần được ưu tiên tiêm vaccine để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho rằng, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách, chỉ cho phép người dân ra đường khi mua các sản phẩm thiết yếu.

Vì thế, cần đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ nữa mà phải chú trọng đến cả khối sản xuất. "Không uống cà phê không sao nhưng người sản xuất cà phê sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cần xác định rõ những người sản xuất, phân phối là lực lượng tuyến đầu để có phương án cụ thể dành cho họ”, ông Đức nhấn mạnh.

Về đề xuất đánh giá lại các mặt hàng thiết yếu, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông), cho rằng khái niệm về hàng thiết yếu thì kê không biết bao nhiêu cho đủ.

"Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công Thương về việc đưa ra vấn đề là 'không vận chuyển những mặt hàng bị cấm. Như thế sẽ thông thoáng cho vận chuyển hàng hóa. Văn bản hiện đã nằm trên bàn của Thủ tướng", ông Đường cho biết thêm.

Theo ông Đường, vào tháng 5/2021, Bắc Giang giãn cách theo Chỉ thị 16, cũng là lúc bắt đầu vào vụ thu hoạch trái vải. Khi ấy, Bắc Giang đã đưa ra 3 quyết sách mạnh mẽ.

Một là, Lãnh đạo tỉnh đã kết nối với nhiều tỉnh, từ Lạng Sơn đến TP. HCM, để cho xe vận chuyển vải đi qua. Hai là đẩy mạnh tiêu thụ online trên sàn thương mại điện tử. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu qua các cửa khẩu.

Nhờ 5 Bộ (NN-PTNT, Công Thương, Thông tin - Truyền thông, Giao thông vận tải, Ngoại giao)  cùng vào cuộc, Bắc Giang đã tiêu thụ hết số vải thu hoạch, doanh thu đạt hơn 6.000 tỷ, với giá khoảng 25.000 đồng/kg vải.

Không ai nghĩ trong dịch có thể làm được điều này. Qua sàn thương mại điện tử, Bắc Giang có khoảng 1,2 triệu đơn hàng trong vòng 5 ngày, với khoảng 8.000 tấn vải được tiêu thụ. 63 tỉnh, thành phố đều có vải, trong đó nhiều tỉnh lần đầu ăn vải, nhờ cam kết 48 tiếng vận chuyển.

"Đây là kinh nghiệm cho các tỉnh. Bởi để đảm bảo được lưu thông hàng hóa, cần nhiều Bộ, ban, ngành. UBND tỉnh phải quán triệt hoàn toàn được vấn đề này”, ông Đường chia sẻ.

 DƯ THỪA CHỈ LÀ DO ÁCH TẮC TRONG VẬN CHUYỂN

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, tiêu thụ nông sản hiện nay, khó khăn lớn nhất là ở khâu lưu thông sản phẩm trong thời điểm giãn cách. Thương lái không thể đi từ xã tới xã, thậm chí có thương lái đi mua mà không về được.

Với riêng Hà Nội, Sở Giao thông Hà Nội hiện giờ phải cấp khoảng 1.000 giấy để lưu thông trên "luồng xanh". Cho đến trưa nay (29/7), nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký được. Sở Nông nghiệp Hà Nội đã đề nghị Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện, nhưng chưa được vì số lượng quá lớn.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiến nghị bỏ giấy chứng nhận phương tiện, bỏ "luồng xanh", để doanh nghiệp lưu thông tự do và chỉ kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc 5K. Chỉ cần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn lại cần phải linh động”, ông Tường đề xuất.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An nêu vấn đề: Một số nơi yêu cầu lái xe nông sản cần có QR Code "luồng xanh" và giấy xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, chở thanh long từ Long An ra tới Hà Nội thì thời hạn 3 ngày là không đủ. Do đó, Long An đề nghị Bộ Giao thông vận tải công bố các điểm test nhanh dọc đường để lái xe chủ động. 

Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nông sản là lưu thông hàng hóa giữa các điểm trong và ngoài vùng dịch. Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí kho bãi nhằm giúp doanh nghiệp tiêu thụ nguyên liệu được nhiều hơn cho bà con.

Mặt khác, cước vận tải xuất khẩu đường biển đang tăng "phi mã" nên vô cùng khó bởi khách hàng không tăng giá mua. Kiến nghị được hỗ trợ thêm giá điện bởi hệ thống kho phải vận hành “căng” hơn so với bối cảnh thông thường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong khối doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà Foods cho rằng, nghịch lý ở chỗ sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, cây trồng, vật nuôi có giới hạn nuôi trồng, không thể kéo dài mãi.

"Tôi mong muốn đặt những điểm test nhanh trên các tuyến vận tải. Còn về hệ thống siêu thị, tôi mong muốn các bộ, ngành đưa ra giải pháp là chia nhỏ ra các điểm do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đứng ra hỗ trợ ở các khu cách ly. Như thế sẽ giảm tải việc xếp hàng ở siêu thị. Các hộ nông dân cũng nên chia nhỏ các kiện hàng để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng", bà Hà đề xuất.